Nếu bạn đã sống đủ lâu ở Mỹ và đã quen với những văn hóa ở Mỹ, có thể bạn sẽ cảm thấy khó hòa nhập khi về Việt Nam với những khác biệt về văn hóa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những khác biệt cơ bản giúp bạn chuẩn bị trước tâm lí để hòa nhập hơn khi về lại Việt Nam. Bởi lẽ văn hóa sẽ ngấm vào mình sau một thời gian dài, chứ không phải ngày một ngày hai mà quen được.
1. Người Mỹ sống cá nhân, người Việt sống cộng đồng
Tại Mỹ, con người đa phần sống cá nhân, họ độc lập và tự chủ. Họ thường ít khi nói chuyện với người lạ ngoài đường, và sẽ hạn chế đụng chạm hay chỉ trỏ nhất có thể. Còn ở Việt Nam, mọi người vẫn sống cộng đồng hơn, con người Việt Nam thì thoải mái hơn. Bạn có thể cười nói vô tư với một người lạ bạn vô tình gặp ngoài đường mà đôi khi người ngoài nhìn vào còn nghĩ hai người là bạn.
Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi một người hàng xóm của mình luôn miệng hỏi về chuyện gia đình hay chuyện cá nhân của bạn. Có thể bạn sẽ thấy không thoải mái khi một ai đó đến nhà bạn chơi mà không báo trước. Nhưng mà bạn yên tâm, nếu chưa quen với việc này, bạn chỉ cần giao tiếp xã giao lại với họ, và bỏ qua họ thôi.
2. “Tiền ai nấy trả” hay “Hôm nay tôi mời, hôm sau anh mời lại tôi”?
Ở Mỹ, thông thường sau khi đi ăn cùng nhau, mỗi người sẽ tự trả tiền phần ăn của mình. Tuy nhiên, tại Việt Nam, sau mỗi bữa ăn thường sẽ có một người đứng ra trả tiền cho cả bàn ăn. Văn hóa giúp tăng thêm phần gắn kết giữa mọi người hơn, nhưng cũng có những hệ lụy như có những người đi ăn hoài nhưng không thấy trả, hay số tiền mỗi bữa phải trả là khác nhau. Tuy vậy, cách làm mà tôi cho là hay nhất là nên sòng phẳng từ đầu. Nếu nói mời thì nên nói mời từ đầu bữa ăn, còn không thì nên phần ai nấy trả thì sẽ đỡ mất lòng hơn.
Ở Việt Nam cũng có một trường hợp là khi phụ ăn đi ăn với đàn ông, thường họ sẽ kỳ vọng đàn ông là người trả tiền. Đây là một văn hóa mà nhiều người Việt Nam đã lên tiếng rất nhiều, bởi lẽ họ thấy rằng người phụ nữ đang tự hạ mình quá, còn người đàn ông thì lại cảm thấy mệt mỏi và gánh nặng. Người phụ nữ trong trường hợp này biện minh rằng đàn ông thì cần phải ga-lăng, còn phụ nữ là phái đẹp nên khi hẹn hò, họ cần được ưu ái hơn. Tuy nhiên, tình yêu thì phải bắt nguồn từ cả hai, chứ không thể chỉ để một người lo cho tình yêu. Trong trường hợp này, để thể hiện sự ga-lăng, người đàn ông có thể để vài bữa mời một lần, còn lại thì chia đôi.
3. Văn Hóa Tiệc Tùng
Bên Mỹ, mọi thường thường thích tiệc tùng thành từng nhóm nhỏ để có thể giao tiếp, nói chuyện được với nhau hơn. Nhưng ở Việt Nam, mọi người thường ngồi thành một nhóm lớn, ồn ào và náo nhiệt. Họ thích sự phô trương, họ thích tiệc tùng là phải lớn, phải vui và bữa tiệc nào càng ồn ào thì bữa tiệc đó lại càng được tổ chức thành công. Ở Việt Nam, họ thường uống bia khi tiệc tùng, còn bên Mỹ thì mọi người lại chuộng rượu hơn. Nếu bạn cảm thấy ngợp khi tiệc tùng tại Việt Nam, bạn có thể tìm một người bạn trong bữa tiệc và trò chuyện cùng họ để đỡ cảm thấy ngợp, và hãy từ chối khéo nếu không muốn tham gia bữa tiệc.
4. Thời gian làm việc
Công sở Việt Nam vẫn còn coi trọng bằng cấp, mối quan hệ và tuổi tác. Họ thường e dè khi giao cho một nhân viên trẻ tuổi đi gặp đối tác quan trọng. Bên đối tác cũng cảm thấy không được coi trọng khi phía công ty gửi một nhân viên trẻ tuổi để ký kết hợp đồng. Họ vẫn còn đặt tuổi tác lên trước năng lực của nhân viên.
Một điểm đặc biệt ở Việt Nam là các hợp đồng thường được ký kết trên bàn ăn. Phía công ty sẽ mời đối tác đi ăn, uống rượu, trò chuyện và bàn luôn về chuyện công việc trong thời gian này.
Công sở Mỹ thường coi trọng giờ giấc,và tách bạch thời gian làm việc ra hẳn thời gian cá nhân. Ở Việt Nam thì ngược lại. Có nhiều người sống hoàn toàn vì công việc. Họ có thể làm thêm buổi tối, làm vào cả ngày nghỉ hay ngày lễ. Họ có thể đi làm ban ngày, gặp bạn bè vào buổi tối và làm việc vào lúc khuya. Họ làm vì đam mê, vì tiền,… Tóm lại, người Việt Nam có thể làm việc mọi lúc nếu họ cần, và họ không quá quan trọng việc tách thời gian công việc ra khỏi thời gian cá nhân.
5. Trở ngại về ngôn ngữ trong các văn bản luật.
Sự khác biệt trong văn hóa khiến các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể là vấn đề thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý ở Việt Nam khác với bên nước ngoài như Mỹ. Về sự khác biệt ngôn ngữ cũng như việc diễn đạt hồ sơ còn nhiều khó khăn đối với những người không tiếp xúc nhiều với các thuật ngữ pháp lý, hành chính ở Việt Nam. Thời gian chờ đợi từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc một thủ tục hành chính cũng khá lâu so với ở Mỹ.