Số lượng trẻ mắc bệnh tăng cao hơn trong ngày Tết
Theo số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cho biết: số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa và đường hô hấp… vào dịp tết thường tăng cao hơn ngày thường từ 20 – 25%. Nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ không chú ý nhiều việc ăn uống, giữ ấm của trẻ trong dịp này. Mẹ hãy tìm hiểu các bệnh này và cách phòng ngừa nhé.
Nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh trong ngày Tết
Thay đổi giờ giấc sinh hoạt
Vào ngày Tết, các hoạt động chúc Tết, thăm hỏi người thân, họ hàng, bạn bè,… hoặc du xuân, vui chơi ngày Tết của bố mẹ và bé cùng với gia đình sẽ khiến giờ giấc sinh hoạt của bé bị đảo lộn rất nhiều: bé phải thức quá khuya, ngủ không đủ giấc, ăn uống không đúng giờ,…
Trẻ bị say tàu xe, phải đi lại nhiều
Khi phải di chuyển một chặng đường dài để về quê ăn tết bằng ô tô, tàu hỏa, máy bay,… trẻ thường bị mệt mỏi, quấy khóc,… do say tàu xe. Sau chuyến đi, trẻ có thể bị ốm do sức đề kháng giảm sút, bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với môi trường đông người,…
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo
Chế độ dinh dưỡng của các bé vào ngày Tết thường không cân bằng, nhiều tinh bột, chất đạm, chất béo nhưng thiếu vitamin, chất xơ và các khoáng chất có trong rau củ quả. Chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng như vậy dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa (táo bón, đầy bụng,…), suy giảm sức đề kháng.
Thời tiết thay đổi thất thường
Ở miền Bắc, vào dịp Tết Nguyên đán thời tiết thường thay đổi thất thường với những đợt lạnh sâu, do đó việc bé ra ngoài trời nhiều vào buổi sáng hoặc ban đêm sẽ dễ khiến trẻ có có nguy cơ cao bị nhiễm lạnh đường hô hấp.
Tiếp xúc với môi trường đông người
Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ tham gia các lễ hội, những nơi tụ tập đông người, vì đó chính là môi trường khiến trẻ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp như cảm cúm, sốt virus,…
Một số bệnh trẻ dễ mắc vào dịp Tết
Nhóm bệnh về đường hô hấp
Viêm đường hô hấp trên cấp tính như: viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA, viêm tai giữa, viêm thanh quản cấp… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và việc ăn uống của trẻ. Bệnh có thể do tác nhân là vi rút hoặc vi khẩn gây ra.
Bệnh cúm ở trẻ em: rất thường gặp trong mùa lạnh, khả năng trẻ em bị nhiễm chiếm 1/3 dân số người bị mắc cúm hàng năm, nếu không cẩn thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh hen suyễn: rất thường gặp vào thời khắc giao mùa, trẻ em có tiền căn dị ứng và hen suyễn, sẽ rất dễ lên cơn “hen” khi thời tiết trở lạnh đột ngột.
Rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn
Tết là dịp để cả gia đình sum họp, đoàn viên nên hầu như trong gia đình nào vào những ngày lễ này đều cũng “mâm cao cỗ đầy” với vô vàn đồ ăn ngon, bổ dưỡng. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng thường dẫn bé đi chơi, thăm thú các khu vui chơi, du lịch,… Do đó, trẻ thường ăn rất nhiều đồ ăn cùng lúc, ăn những đồ ăn lạ, đồ ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đặc biệt là những thức ăn không đảm bảo chất lượng, thức ăn bị nhiễm khuẩn,…
Dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thời tiết
Với những trẻ có cơ địa dị ứng, việc đi lại nhiều, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn,… cũng khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị yếu đi, làm tăng nguy cơ trẻ bị dị ứng thời tiết. Những đồ ăn thức uống lạ trong ngày tết có thể khiến trẻ bị dị ứng thức ăn.
Biện pháp phòng ngừa bệnh dịp Tết cho trẻ
– Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày tết, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật.
– Giữ vệ sinh môi trường sống tốt, trong lành, sạch sẽ và thoáng khí giúp trẻ phòng tránh hiệu quả các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp như: hạn chế việc sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ, tìnhtrạng bụi bẩn, khói thuốc lá, khói công nghiệp.
– Tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách thường xuyên hàng ngày, giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay – miệng.
– Giữ ấm cơ thể trẻ khi thời tiết chuyển lạnh nhất là những trẻ có tiền căn – tiền sử về dị ứng và hen suyễn bằng những biện pháp rất đơn giản như mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, đội thêm mũ hoặc quấn thêm chăn/mền ấm cho trẻ.
– Việc chế biến thức ăn ngày tết cho trẻ cần tuân thủ tuyệt đối quy trình “vệ sinh an toàn thực phẩm” nhằm giúp trẻ phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa một cách thiết thực nhất, đặc biệt nên bảo quản và lưu giữ thực phẩm đúng cách.
– Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời và có được những lời khuyên hữu ích giúp phụ huynh chăm sóc trẻ tốt hơn trong thời gian trẻ bệnh.
– Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động nhất và hiệu quả nhất.