Những bệnh và tai biến thường gặp trong dịp Tết

PHÒNG BỆNH.- Khác với những ngày bình thường, việc sinh hoạt, đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi trong những ngày Tết dễ trở nên thất thường, nếu không muốn nói là thiếu điều độ. Và điều đó dẫn đến chỗ sức khỏe bị đe dọa

Có đủ sức khỏe để vui Xuân, đón Tết là điều ai cũng nghĩ đến. Nhưng cuộc vui đôi khi không trọn vẹn chỉ vì một thành viên trong gia đình không đủ sức lướt qua cơn bệnh, thậm chí phải nhập viện khi 3 ngày Tết chưa qua.

Từ tiêu chảy, nôn ói trẻ em...

Bác sĩ (BS) Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội 1 (Bệnh viện Nhi Đồng 2), lưu ý một số bệnh và tai biến mà trẻ em thường gặp trong dịp Tết.

Trước hết là tiêu chảy cấp. Đây là loại bệnh viêm ruột non cấp tính do siêu vi hay vi khuẩn nhiễm vào thức ăn gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột, thường có ói, sau đó tiêu chảy nước, đôi khi có đàm máu; sốt, đau bụng, bụng đầy hơi, nhạy cảm khi sờ, tăng nhu động ruột. Bệnh làm mất nước, rối loạn điện giải, có trường hợp tiến triển mãn tính và hội chứng sau viêm ruột.

Cơn choáng phản vệ. Thường bắt đầu từ đau bụng hoặc co thắt khí - phế quản gây khó thở, suy hô hấp... Tác nhân gây choáng phản vệ thường không ai ngờ tới nên hay mất cảnh giác. Nó có thể do côn trùng cắn, tiêm kháng sinh, truyền dịch, dị ứng thức ăn... Nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi bằng các loại thuốc đặc hiệu.

Chứng nôn. Đây là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy ra ngoài do sự co bóp của dạ dày, cơ hoành và thành bụng. Nôn là triệu chứng thường gặp ở trẻ do 4 nguyên nhân: Do viêm dạ dày - ruột, viêm màng não, u não, áp-xe não, tắc ruột, lồng ruột, viêm ruột thừa... Do ăn quá nhiều, bị dị ứng thức ăn (phẩm màu, gia vị...). Do có dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản chẳng hạn. Do rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn co bóp dạ dày. Trong đó, nguyên nhân do sai lầm về ăn uống chiếm tỉ lệ cao. Với chứng nôn, tìm nguyên nhân để điều trị là chính.

Ngoài ra, BS Trần Hữu Nhơn cũng lưu ý thời tiết trở lạnh thường là nguyên nhân gây viêm phổi, viêm họng ở trẻ. Mặt khác, ông tỏ ra quan ngại về những chấn thương thường gặp trong dịp Tết như phỏng (kể cả phỏng điện); chấn thương mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt do tai nạn giao thông, do đùa giỡn, nghịch ngợm hoặc do dị vật. Ngay cả những trường hợp trẻ bị chó cắn, ong chích, ăn uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật... cũng có xu hướng gia tăng, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý. Đặc biệt, BS Nhơn đề nghị phụ huynh tuyệt đối không được để trẻ ở nhà một mình và khóa cửa lại. Không cho trẻ chơi hoặc để trong tầm tay trẻ những loại vật dụng sắc, nhọn và những thứ các cháu có thể nuốt hoặc nhét vào mũi, vào tai như dao, kéo, viên bi, kim băng, hạt đậu, hạt dưa...

... Đến tai biến mạch máu não, loét dạ dày người lớn

Thạc sĩ - BS Phan Hữu Phước ở Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết tai biến mạch máu não (TBMMN: xuất huyết não hay nhũn não; dân gian hay gọi “trúng gió”) là một trong những tai biến thường gặp trong thời gian gần đây. Khả năng điều trị rất khó khăn và tốn kém (một mũi thuốc làm tiêu cục máu đông khoảng 20 triệu đồng, nhưng chỉ có hiệu quả trong vài giờ đầu khi tình trạng nghẽn mạch máu não xuất hiện). Để phòng ngừa TBMMN, BS Phước khuyên hãy ngừng hút thuốc lá vì đây là nguy cơ chính. Kế đến, cần điều trị tốt cao huyết áp vì nó là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não. Mặt khác, cần điều trị bệnh tiểu đường, ngăn ngừa tăng cholesterol máu và triglyceride máu cũng như bệnh đa hồng cầu. Khi có người bị TBMMN, cần đưa đến trung tâm cấp cứu gần nhất, tránh thói quen cạo gió, cắt lễ có thể dẫn đến hậu quả xấu.

Trong bài viết “Rượu, nguyên nhân gây hoại tử xương đùi” đăng trên Báo Người Lao Động mới đây, BS Huỳnh Bá Lĩnh ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã nghiêm túc cảnh báo: “Nhiều năm nay, tình trạng ăn nhậu ở nước ta lan rộng một cách đáng kể. Quán xá mọc lên như nấm. Ít ai biết rằng uống rượu kéo dài sẽ làm tàn phế hai chân của người bệnh bởi nó hủy hoại khớp háng. Bệnh này không thể chữa trị mà chỉ có thể khắc phục di chứng bằng cách thay khớp nhân tạo. Chi phí phẫu thuật rất cao nhưng chỉ cải thiện 60-80% chức năng vận động của chân đau”.

Viêm loét dạ dày - tá tràng cũng là bệnh hay gặp trong mùa Tết. Theo TS-BS Trần Thiện Trung, giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM, đây là bệnh lây lan chủ yếu qua đường miệng nên việc ăn chín, uống sạch, giữ vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày được coi là cách phòng ngừa chính. Ông cũng khuyên mọi người hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá, nên ăn uống điều độ và giảm lo lắng vì đây là những nguyên nhân làm cho bệnh tiến triển nhanh. Viêm loét dạ dày - tá tràng có thể gây biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng người bệnh như chảy máu hoặc thủng dạ dày - tá tràng.

Và điều cần cảnh báo hàng đầu vẫn là tai nạn giao thông - vốn gây ra cái chết cho hơn 1 vạn người mỗi năm. Theo ghi nhận của riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, trong những ngày Tết, bệnh nhân nhập viện cấp cứu thường từ 250 đến hơn 350 ca/ngày, tăng gấp đôi ngày thường, trong đó tỉ lệ các ca chấn thương sọ não khá cao với hàng chục ca tử vong. Đáng chú ý là tai nạn ngày Tết có vai trò không nhỏ của... rượu.

Vào dịp lễ Tết, nhịp sống thay đổi, phải tiếp khách nhiều, ăn uống khác ngày thường, vui vẻ thì uống thêm chút rượu, chút trà... Sự mất cân bằng này dễ làm cho huyết áp tăng lên, có thể dẫn đến xuất huyết não, lên cơn co thắt mạch vành tim. Loại bệnh thứ hai dễ xảy ra cho người già là bệnh đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn và phổi tắc nghẽn mạn tính. Loại bệnh thứ ba là bệnh lý đường tiêu hóa, như đau dạ dày, tiêu chảy. Việc ăn uống khác ngày thường và thay đổi nhịp sống khiến người ta dễ mắc bệnh. Ở thanh niên không sao, nhưng ở người lớn tuổi, tiêu chảy dễ dẫn đến mất nước nặng, tụt huyết áp, trụy tim mạch...

Chúng ta nên phân bố thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống hợp lý, điều độ. Nếu mắc sẵn chứng bệnh nào đó thì nên theo dõi kỹ triệu chứng, chẳng hạn nhức đầu là dấu hiệu của tăng huyết áp. Ngoài ra nên lưu ý việc dùng thuốc. Người bị tiểu đường mỗi ngày dùng một viên thuốc hạ đường huyết thì ngày Tết có thể tăng lên vì trong những ngày này người ta thường khó kiểm soát chuyện ăn uống. Nói chung, vào dịp Tết người lớn tuổi cần tránh xáo trộn nhiều, quan tâm đến bệnh lý đang mắc và tránh những nguy cơ có thể làm bệnh nặng hơn.


Doctor

75 Blog posts

Comments