Bạn đang loay hoay và phân vân không biết nên bắt đầu tự học PR/Marketing như thế nào cho hiệu quả trong thời gian ngắn nhất? Vì vậy quan trọng nhất bạn phải thực sự thấy mình đủ tố chất, sự thấu hiểu và đam mê cho nghề PR/Marketing. Mời bạn khám phá thêm kinh nghiệm tự học PR/Marketing của Jell Thương chia sẻ rất nhiệt tình ở bên dưới!
Trước khi thử làm 7 điều sau đây, bạn hãy hít một hơi sâu và chuẩn bị một tinh thần vững. Sẽ có rất nhiều khái niệm xuất hiện. Đừng quá háo hức mà lao vào tất cả để rồi rối loạn. Hãy bắt đầu với từng khái niệm một. Đọc đến đâu, tự thực hành hoặc liên hệ ngay đến đấy. Và inbox ngay một người trong nghề mỗi khi bạn có bất kỳ câu hỏi ngô nghê nào.
1. Tham gia các Group, theo dõi Fanpage và nhận RSS của các blog truyền thông
Đây là những nơi tập trung đông đảo và chất lượng những người làm PR – MKT chuyên nghiệp. Là cách nhanh nhất để bạn:
– học tập các case study từ hãng lớn tới doanh nghiệp nhỏ. Thông qua các post bàn luận ở Group hay tin bài website/blog. Theo dõi bình luận để học tập kiến thức và ý tưởng của tất cả mọi người.
– thu nhặt các tài liệu hữu ích cho nghề: nghiên cứu, báo cáo, ebook…
– cập nhật công nghệ, xu hướng khách hàng, thị trường… Ví dụ: sự thay đổi thuật toán hiển thị trên New feed của Facebook, xu hướng tiêu dùng online 2015…
Vậy bạn nên tham gia/ theo dõi các địa chỉ nào? Sau đây là một số gợi ý:
– Group Facebook: VMCC – Vietnam Marketing & Communications Club, Cộng đồng Copywriter Việt Nam, Mỗi ngày 1 cuốn sách về Marketing – Truyền thông,…
– Facebook Fanpage: PR như tôi thấy, Cuộc sống Agency, Marcomjobs.vn (page chuyên về tuyển dụng, có nhiều thông tin để bạn biết nghề của mình thực ra là làm những gì + sưu tầm tài liệu hay).
– Website: https://www.brandsvietnam.com; https://www.makeitnoise.com/;https://nguyendinhthanh.com/…
– MXH Linkedin – dành riêng cho dân Mar Com chuyên nghiệp.
2. Cập nhật và đọc các loại Nghiên cứu/ /Báo cáo về ngành và các mảng dịch vụ. Sưu tầm các template chiến dịch PR- Marketing.
Đây là lối đi tắt giúp bạn nắm bắt nhanh tình hình thị trường, tâm lý người dùng… Cũng như cách nghiên cứu thị trường, đối thủ, KH để đề ra hướng đi cho thương hiệu của mình.
Các kiến thức này vốn được đúc kết thành sách và giáo trình. Nhưng sẽ rất lâu và khó để 1 kẻ ngoại đạo đọc hết và hiểu hết các lý thuyết khi không có kinh nghiệm (ví dụ) thực tế, mà cũng không có giáo viên phân tích, diễn giải cho.
Do đó, tôi chọn cách tự học theo lối tắt, tìm hiểu nhiều ví dụ. Sau đó mới đọc sách để tự kiểm nghiệm lại.
Tất nhiên đa số báo cáo xin được qua google là hàng free nên không chi tiết, chỉ có giá trị tham khảo. Nhưng không vì thế mà từ chối việc biết cái mà ta chưa biết. Phải không ạ ;;).
Báo cáo, nghiên cứu, template này lấy ở đâu?
– tại các Group/Fanpage Facebook, Blog, Website nói trên (nhớ thường xuyên theo dõi/đăng ký nhận bài)
– tại trang chia sẻ slide rất nổi tiếng: https://www.slideshare.net/ (cứ việc google theo từ khóa)
– tại blog này: Tổng hợp 80+ Báo cáo, Nghiên cứu, các mẫu Kế hoạch và Báo cáo PR – MKT
3. Chọn và đọc sách chuyên ngành
Tôi đưa điểm này xuống hàng thứ 3, không phải vì nó không quan trọng, mà vì lý do đã nói như trên.
Bạn đừng lao vào đọc sách ngay từ đầu, nhất là các cuốn giáo trình với cách trình bày hàn lâm, hay các cuốn viết bởi chuyên gia với đầy thuật ngữ. Bạn sẽ bị choáng ngợp và hoang mang mà không hiểu gì đâu.
Trước hết, hãy tham gia các group, đọc các nghiên cứu nhỏ nhưng sát thực tế để có cái nhìn nhất định về thực tế công việc của người làm PR – Marketing ngoài kia.
Sau đó lùi lại một chút, đọc sách một cách chậm rãi. Vừa đọc vừa liên hệ đối sánh với các case study đã quan sát được. Bạn thấy mọi thứ rõ ràng, hơn dễ hiểu hơn nhiều.
Một số đầu sách nên đọc trước:
22 quy luật bất biến trong marketing
22 quy luật bất biến trong xây dựng thương hiệu
Thương hiệu lớn rắc rối lớn
Tập trung để khác biệt
Cuộc chiến phòng họp
Đánh lửa thương hiệu
…
Ngoài ra còn rất nhiều sách viết về từng mảng nhỏ trong marketing: digital marketing/online marketing, content marketing, copywriting; các vấn đề về thương hiệu, quan hệ khách hàng… cứ từ từ mà đọc theo nhu cầu…
Sách này bán rất nhiều ở phố Đinh Lễ, hoặc bạn có thể mua online trên Tiki như một cách trân trọng bản quyền của tác giả:)
4. Quan sát. Quan sát. Săm soi tất cả. Học khắp mọi nơi.
Đây là lúc bạn tự thực hành những gì đã “học mót” ở mọi người hay tự đọc trong sách.
Soi từng mẩu quảng cáo bạn thấy trên tivi. Xem quảng cáo xong bạn ấn tượng cái gì? Có tên sản phẩm, hay slogan, hay màu sắc gì đó đọng lại trong bạn không?
Đừng bỏ qua bất cứ một sự ồn ào nào trên FB vì có thể có ai đó đang làm chiến dịch truyền thông bằng MXH đấy!
Đi ăn nhà hàng, hãy xem họ bài trí như thế nào, thiết kế bàn ghế và màu sắc bát đũa ra sao, vị trí ntn, để xe tiện không, nhân viên “ngoan” không?
Một quán ăn dù trông thường thường nhưng lại rất đông khách. Hãy tự hỏi mình vì sao họ đông khách. Vị trí ? Không có quán khác cạnh tranh? Có KM gì hấp dẫn? Do nhiều ng khen truyền miệng?
Đi siêu thị, bạn chọn mua gói bánh này. Hãy tự hỏi vì sao bạn mua nó. Bao bì chuyên nghiệp? Được tặng kèm cái gì hay ho? Có giảm giá? Hay đơn giản là vị trí thuận tay nên bạn lấy luôn mà không cần nghĩ?
Click vào một mẫu quảng cáo này, điều gì khiến bạn bị thu hút? Text? Màu? Hình ảnh? Nội dung hợp nhu cầu (Bạn vừa bị rách quần thì trên Facebook hiện ra ngay cái quảng cáo Quần áo hạ giá)?
Liên tục đặt câu hỏi. Liên tục tự trả lời. Nghi ngờ và thắc mắc mọi lúc mọi nơi. Biến nó thành căn bệnh nghề nghiệp khó chữa!!!
Tóm lại, hãy tự tìm case study cho chính mình – Học ngay từ khách hàng và đối thủ.
5. Đi học một khoá học về truyền thông
Tôi cũng không khuyên bạn đi học bừa một khoá ngay từ đầu. Bạn sẽ không hiểu gì cả và muốn học thêm nữa. Rồi bạn sẽ là con gà để các trung tâm chăn dắt, đưa vào cái lưới giăng sẵn: đổ tiền các khoá học tiếp theo.
Tôi cho rằng, chỉ nên đi học khi đã có vốn liếng gì đó – Đủ để mình hiểu chuyện gì đang xảy ra, theo kịp chương trình học và có khả năng đặt câu hỏi để mở rộng, đào sâu vấn đề.
Học gì? Học ở đâu? Tốn bao nhiêu?
– Học các khoá học chuyên về một kênh/1 công cụ Marketing nào đó: Adwords, SEO, Copywriting, Facebook Marketing, Youtube Marketing… Các khóa lẻ này phù hợp cho bạn nào muốn làm NV ở Agency chuyên cung cấp dịch vụ; hoặc kỹ thuật viên cho thương hiệu lớn (có đội ngũ marketer đầy đủ). Học phí từ 1,5-3tr/ khoá. Học ở Vinalink hoặc Seongon.
Để học hết tất cả các kênh sẽ hết ít nhất 15-20 triệu. Thực ra có thể tự học tại nhà; nhưng đi học sẽ được thầy dạy nhiều tools, mẹo, bí quyết hơn và thực hành nhanh hơn một chút so với tự mày mò.
– Học tư duy chiến lược – phù hợp cho các bạn làm cho thương hiệu/doanh nghiệp (PR in house), hoặc Agency chuyên tư vấn chiến lược, hoặc là thích làm sếp. Học phí tầm từ 4-9tr/khoá (mình không nhớ chính xác), tại SAGE.
6. Tham gia hội thảo/ workshop của ngành
Có chút kiến thức rồi, đi hội thảo mới hiểu mọi người nói gì, có khả năng đặt câu hỏi và phản biện… Thay vì đi cho biết, phí tiền lắm mà tới nơi nghe lơ mơ không hiểu hết, không dám hỏi gì…
Bạn có thể tìm hiểu các Hội thảo/Coffee talk do VMCC tổ chức hàng tuần, hàng tháng; hoặc hội thảo do các Agency như Viet CRM, Links lead… tổ chức. Đơn giản hơn nữa là tham gia các buổi trao đổi, cà phê trà đá giữa anh em trong nghề.
Chi phí cho các hội thảo như thế này thường là 100,000 – 200,000đ; có thể kèm đồ ăn thức uống hoặc không.
7. Đi làm và tự chạy một kế hoạch cho chính mình.
Không ai học bơi trên cạn. Đọc gì xem gì thì cũng phải lao vào thực hành mới xong.
chưa biết việc thì xin làm thực tập sinh (intern) có lương thấp hoặc không lương để học việc.
biết tí việc rồi thì bắt tay vào tự lập kế hoạch (tham khảo các bản Kế hoạch mẫu) và nhờ mọi người góp ý.
thực hành, trải nghiệm ngay với thương hiệu của mình xem sống chết thế nào ;))
7 điều trên đây tuy dài dòng nhưng không bao giờ là đủ để nói về thế giới Mar – Com rộng lớn. Một lần nữa, tôi chỉ dám khuyên các bạn hãy tìm hiểu kỹ, nghĩ kỹ trước khi dấn thân vào nghề này. PR – Marketing không đơn giản là học mót một ít quảng cáo Facebook, viết một hai “bài Pr” là đã hành nghề được đâu…