Ổ cứng SSD là gì?
SSD là viết tắt của Solid State Drive, là một loại công cụ, phương tiện dùng để lưu trữ dữ liệu lên bộ nhớ bán dẫn như flash, SRAM hay DRAM. Một ổ đĩa SSD sẽ bao gồm 2 thành phần chính là:
- Bộ điều khiển
- Chip nhớ NAND
Có thể nói rằng, sự ra đời của SSD là một phiên bản nâng cấp toàn diện từ tốc độ, sự tin cậy, mức độ an toàn và cả điện tăng tiêu thụ lẫn thiết kế so với ổ cứng HDD truyền thống.
Lịch sử ra đời của ổ cứng SSD
Lịch sử ra đời của ổ cứng SSD thật sự rất gian truân và đầy thử thách để có được hình dạng và sự phổ biến như hiện nay.
- Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XX, IBM, Cary và Amdahl đã dẫn phát triển ổ cứng SSD. Tuy nhiên, do giá thành quá cao và nhóm đối tượng có khả năng mua quá ít, ổ cứng SSD vẫn chưa thương mại hóa rộng rãi được.
- Cho đến năm 1978, Storage phát triển thành công mẫu SSD đầu tiên. Tiếp nối đó, 1980, ổ cứng SSD được cải tiến bằng cách kết hợp các chip DIP RAM với card điều khiển có khả năng mô phỏng ổ cứng.
- Tiếp nối sự thành công, năm 1983 ổ cứng có khả năng lưu trữ 128kb với cái tên Sharp PC-5000 được giới thiệu ra thị trường.
- Cho đến 1996, công nghệ ổ cứng SSD với bộ nhớ flash được phát triển thành công. Đây là dấu mốc đáng nhớ khi người dùng có thể tiếp cận được với công nghệ ổ cứng SSD với giá thành mềm hơn cũng như giải quyết được những yếu điểm khó chịu của HDD.
- Tận đến 2009, ổ SSD mới được các hãng laptop sử dụng dù già tương đối cao hơn so với HDD.
Và hiện tại, chúng ta đang sống ở thời đại với công nghệ lưu trữ SSD lên đến 5TB. Kỷ lục này có khả năng sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai gần.
Cá nhân tôi, một người vừa làm đồ họa cơ bản vừa chơi game và làm việc, một laptop với ổ cứng 256GB là “đẹp”. Nhưng đời không như mơ, tôi đang sử dụng một máy tính với ổ HDD từ 2009 đến nay :))
Cách hoạt động của SSD ra sao?
Ổ đĩa SSD sử dụng phương pháp lưu trữ dữ liệu bằng các tấm cell để tăng tốc gửi và nhận dữ liệu. Những cell sẽ chia nhỏ thành nhiều page có kích thước từ 2-16KB và nhiều page nhỏ hợp lại thành 1 block.
Không giống với phương pháp lưu trữ ghi đè của HDD, SSD lưu trữ bằng cách “xếp hàng”, dữ liệu nào đến sau sẽ được ghi vào một page trống trong block. SSD sử dụng bộ nhớ flash, vì thế nếu xảy ra tình trạng mất điện đột ngột, dữ liệu của bạn sẽ không bị mất.
Khi bạn xóa một dữ liệu trong ổ cứng SSD, dữ liệu đó sẽ được đánh dấu là không sử dụng nữa và sẽ được chuyển vào một block. Tiếp theo đó, block sẽ bị loại bỏ và xác định lại khối lượng bộ nhớ bị trống khi các page không sử dụng.
3 loại ổ cứng SSD cơ bản
- MLC (NAND Multi Layer Cell): Sử dụng ô nhớ nhiều cấp, dùng 2 bit dữ liệu lưu trên một ô nhớ. Tốc độ cao nhưng tính ổn định chưa được tốt, MLC thích hợp đối với những người dùng phổ thông.
- SLC (NAND Single Layer Cell): Sử dụng ô nhớ một cấp, chỉ sử dụng 1 bit dữ liệu lưu trên một ô nhớ. Tuy tốc độ không quá cao nhưng tính ổn định hơn hẳn so với MLC, Độ bền và chức năng được đánh giá hơn gấp 10 lần so với MLC, vì vậy giá thành khá đắt đỏ, lựa chọn tốt nhất cho các doanh nghiệp.
- TLC (NAND Triple Layer Cell): Tuy có tốc độ cao nhưng độ bền kém nhất .
Sử dụng SSD mang đến những lợi ích nào?
- Kinh doanh: SSD được sử dụng đối với doanh nghiệp vì khối lượng lớn dữ liệu cần được đảm bảo về khả năng lưu trữ, ngoài ra thời gian truy cập và tốc độ truyền tệp cũng rất quan trọng.
- Tính di động: Ổ cứng SSD ít tiêu tốn năng lượng nên có khả năng duy trì tuổi thọ pin trên các thiết bị. Giảm nguy cơ mất dữ liệu khi rơi thiết bị nhờ vào khả năng chống sốc của SSD.
- Máy chủ: Máy chủ cần ổ cứng SSD để thực hiện các đọc và ghi phục vụ cho các mục đích công việc.
- Chơi game: Cấu hình game luôn là thách thức đối với các thiết bị, để có thể trải nghiệm các thể loại game chất lượng cao phải cần đến SSD đủ tốt và các chức năng hoạt động mạnh.
Ổ cứng SSD được tạo ra với các phiên bản, tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người để đưa ra những lựa chọn phù hợp, giúp tận dụng tối ưu chức năng của SSD mang lại và tiết kiệm chi phí.
So sánh ổ cứng SSD và ổ cứng HDD
Tiếp theo, chúng ta sẽ đi so sánh về ổ cứng SSD và ổ cứng HDD để thấy được ổ cứng SSD vượt trội như thế nào so với ổ cứng HDD truyền thống nhé!
So sánh về tốc độ
Tốc độ chính là điểm vượt trội nhất của SSD so với HDD. Với SSD sử dụng các chip, không giống với HDD phải vận hành thêm việc ghi đĩa. Vì thế, tốc độ của SSD trở nên vượt trội hơn HDD rất nhiều.
Nếu bạn sử dụng một máy tính có ổ cứng SSD, bạn sẽ thấy tốc độ mở máy lên rất nhanh dưới 30s tùy theo máy, ổ đĩa. Với HDD, sau khi khởi động tầm 1 phút khi ổ đĩa đã “làm nóng” ta mới có thể sử dụng ổn định được.
So sánh về độ bền
Đối với ổ cứng SSD, việc sử dụng các con chip giúp cho ổ cứng bền với thời gian hơn so với ổ HDD sử dụng cơ chế quay ổ đĩa cơ học để ghi lại dữ liệu.
Tất nhiên, việc quay liên tục trong nhiều năm sẽ dẫn đến tình trạng hao mòn và tốc độ đọc ghi không còn như ban đầu.
Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ cần phải giữ kỹ cả 2 ổ đĩa này vì “của bền tại người”. Nếu bạn nhúng nước hay va đập mạnh thì ổ cứng nào cũng sẽ hỏng như nhau thôi.
So sánh về sự phân mảnh dữ liệu
Ổ HDD sử dụng phương pháp quay đĩa để ghi lại dữ liệu và dẫn đến tình trạng phân mảnh dữ liệu bạn lưu trữ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của tập tin bạn lưu trữ.
Ngược lại với HDD, bạn sẽ không cần phải thực hiện chống phân mảnh trên ổ cứng SSD nhờ vào cơ chế xếp dữ liệu của mình.
So sánh về thiết kế
Ổ HDD bị phụ thuộc vào thành phần vật lý là các đĩa quay. Vì thế, nếu muốn giảm khối lượng hay muốn giảm kích thước của ổ đĩa HDD xuống, bạn và cả nhà sản xuất sẽ phải đánh đổi bằng khối lượng lưu trữ bị giảm xuống.
Bạn cũng có thể thấy thiết kết của ổ đĩa HDD rất cồng kềnh.
Trong khi đó, một ổ cứng SSD với chuẩn SSD M.2 PCIe có tốc độ lưu trữ, đọc ghi rất cao và có thể lưu trữ lên đến 1TB chỉ trong 1 thanh nhỏ của Samsung như trong ảnh!
Với một thanh nhỏ như thế này đã có thể lưu trữ 1TB dữ liệu, đồng nghĩa với việc chiếc laptop của bạn sẽ có thể nhẹ hơn chiếc laptop gắn ổ đĩa HDD rồi!
So sánh về giá
Ông bà ta có câu “tiền nào của nấy”. Điều này cũng áp dụng cho trường hợp của SSD và HDD.
Lấy lại hình ảnh trong phần so sánh trước:
- Ổ cứng HDD Seagate Barracuda 1TB 3.5″ SATA 3 – ST1000DM010 có mức giá dao động khoản 1 triệu đồng.
- Ổ cứng SSD M2-PCIe 1TB Samsung 960 EVO NVMe 2280 có giá 3 triệu đồng!
Bạn có thể thấy mức độ chênh lệch lên đến 60% giá tiền!
Vì vậy, nếu bạn lưu trữ dữ liệu thông thường như nhạc, phim, hình ảnh, bạn nên lưu trữ trên ổ HDD cho đỡ tốn tiền đúng theo nghĩa đen. Nếu bạn có dư, bạn hoàn toàn có thể lưu trữ theo ý thích của mình thôi!
Làm thế nào để chọn ổ cứng SSD phù hợp?
Tất cả các ổ cứng SSD đều gợi cảm giác như một bản nâng cấp tuyệt vời cho ổ cứng HDD. Nhưng để lựa chọn một ổ cứng SSD phù hợp với nhu cầu, tiết kiệm chi phí, bạn cần hiểu các tiêu chí bên dưới.
Tốc độ tối đa cao
Tốc độ đọc tối đa khoảng 400MB/ giây và tốc độ ghi tối đa khoảng 300MB/ giây. Không cần phải chính xác theo tham số trên vì nhanh hơn hay chậm hơn một ít không khác biệt nhiều.
Tốc độ thực tế tốt
Các nhà sản xuất SSD sẽ không cung cấp tốc độ thực tế, nhưng có thể tham khảo qua các đánh giá trải nghiệm. Khi muốn đánh giá một SSD có xứng đáng với số tiền phải bỏ ra không, bạn hãy kiểm tra tốc độ thử nghiệm thực tế, nó sẽ cao hơn 2/3 so với báo cáo thực tế của các nhà sản xuất.
Bộ nhớ flash NAND đa cấp (MLC)
MLC có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn trên mỗi ô. MLC có chi phí thấp đối vơi người tiêu dùng bình thường, nhưng tỷ lệ lỗi sẽ cao hơn.
Hỗ trợ SATA III
Hầu hết ổ cứng SSD đều sử dụng giao diện Serial ATA (SATA), để đảm bảo SSD có đủ băng thông truyền dữ liệu nhanh nhất, nó phải tương thích với SATA III. Yêu cầu máy tính hỗ trợ kỹ thuật SATA mới nhất để tận dụng tối đa chức năng SSD.
Bộ nhớ ECC
EEC sẽ cung cấp cho SSD khả năng phát hiện và sửa các lỗi dữ liệu phổ biến để tránh gặp phải tình trạng dữ liệu không sử dụng được. EEC giúp cho bộ nhớ SSD được đảm bảo an toàn, đáng tin cậy hơn.
Đến đây, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về ổ cứng SSD là gì cũng như so sánh giữa SSD và ổ HDD. Có lẽ, bạn cũng đã có được đáp án về việc nên sử dụng ổ cứng nào vào việc gì rồi đúng không? Tino Group chúc bạn sẽ có những lựa chọn ưng ý!