Nghề PR là gì?
PR là viết tắt của cụm từ “Public Relation”, tạm dịch: Quan hệ công chúng. Hiểu đơn giản, quan hệ công chúng là bộ phận thực hiện các công việc, chiến lược để làm “cầu nối” giữa tổ chức, doanh nghiệp với công chúng, khách hàng, nhà đầu tư, báo giới,… Từ đó, giúp khẳng định tên tuổi của tổ chức, doanh nghiệp trong tiến trình phát triển của họ.
Trong thời kỳ hội nhập, Internet phát triển, PR được xem là ngành nghề “giữ hồn” cho thương hiệu để thương hiệu có thể phát triển một cách mạnh mẽ, độ nhận diện được phủ sóng cao, lưu giữ hình ảnh tốt về doanh nghiệp trong lòng khách hàng giữa vô vàn các thương hiệu. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay rất chú trọng đầu tư đội ngũ nhân viên PR chuyên nghiệp, có kiến thức, tầm nhìn và kỹ năng tốt. Bộ phận PR có thể được tách riêng hoặc gộp chung với đội ngũ Marketing. Điều này sẽ phụ thuộc vào quy mô cũng như chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp.
PR có thể được thực hiện thông qua nhiều phương tiện khác nhau như: mạng xã hội, báo chí, quảng cáo trực tuyến, website,… Mỗi phương tiện sẽ có những ưu và nhược điểm riêng. Tùy ngành nghề, đối tượng khách hàng mà người làm nghề PR sẽ lựa chọn phương tiện truyền thông phù hợp.
Các vị trí công việc PR phổ biến trong doanh nghiệp
Chuyên viên truyền thông (PR Executive)
Đây là vị trí công việc phụ trách xây dựng các chiến lược truyền thông cho thương hiệu. Để thực hiện điều này, các PR Executive cần phải xây dựng mối quan hệ với giới báo chí, người quản lý các trang mạng xã hội có tầm ảnh hưởng,…
Mức lương của PR Executive thường dao động từ 10-20 triệu/ tháng tùy vào quy mô doanh nghiệp và năng lực của cá nhân.
Trưởng phòng truyền thông (PR Manager)
PR Manager là người chịu trách nhiệm cho việc kiểm duyệt các chiến lược truyền thông cho thương hiệu và quản lý đội ngũ PR. Đồng thời, PR Manager sẽ phuj trách hoạch định chi phí PR và nghiên cứu định hướng các chiến dịch.
Mức lương của PR Manager dao động khoảng 20-40 triệu/ tháng.
Giám đốc truyền thông (PR Director)
Đây là vị trí cao nhất mà những người làm nghề PR mong muốn hướng đến. PR Director là người chịu trách nhiệm cao nhất về chiến lược truyền thông của thương hiệu.
Mức lương của PR Director giao động từ 40-100 triệu/ tháng.
Nghề PR có phải là một lựa chọn tốt?
Ưu điểm
PR là một công việc mang đến độ tin cậy, sự tín nhiệm cao
Nhiều người thường nhìn nhận mọi việc thông qua quảng cáo. Nhưng so với quảng cáo đơn thuần, một sản phẩm được đề cập trong các bản tin hay các bài báo cáo chính thống lại khiến công chúng/ khách hàng mục tiêu tán thành và tín nhiệm hơn rất nhiều.
Bản tin hàng ngày có tác dụng kích thích hành động của người mua hàng tốt hơn là quảng cáo truyền thống. Một chiến dịch Social Media tốt là cách khiến giới truyền thông để ý đến doanh nghiệp.
Nếu như những công việc văn phòng, hành chính thường phát triển một cách âm thầm bỏ trong nội bộ thì người làm nghề PR người làm công bố thông tin rộng rãi đến với tất cả mọi người. Công chúng luôn đặt niềm tin vào những thông điệp đến từ những người làm PR. Do đó, tất cả nguồn thông tin công bố đều phải kiểm tra và thực hiện một cách chính xác nhất có thể.
Nếu chọn công việc PR, bạn có thể lấy được lòng tin của rất nhiều người. Đây có thể xem là một công việc đáng tin cậy khi bạn mang đến những giá trị tốt đẹp.
Mở mang tầm hiểu biết, giao tiếp với nhiều người
Chiến lược trong phát triển và quảng bá đến công chúng/ khách hàng có thể thu hút một lượng lớn người quan tâm, nội dung có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, đây là một trọng những cơ hội để bản thân người làm PR có thể tiếp xúc với với mọi người thuộc nhiều vị trí công việc, ngành nghề khác nhau trong xã hội. Lựa chọn công việc này cũng là điều kiện tốt để bạn phát triển và học hỏi thêm nhiều điều bổ ích, nâng tầm giá trị bản thân.
PR tạo mối liên kết với mọi người
PR không chỉ là những người làm tư vấn, tiếp thị sản phẩm mà còn là một công việc gắn kết mọi người lại với nhau. Vì vậy, trong xã hội, PR giữ vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt.
Nghệ thuật PR dẫn dắt câu chuyện của những người làm nghề PR có sức mạnh lan tỏa và thêm thu hút giữa một bối cảnh truyền thông đã trở thành nền tảng của toàn cầu hóa. Trong quá trình xây dựng thương hiệu, các hoạt động của người làm PR sẽ đóng vai trò tích cực lan tỏa thương hiệu và ghi nhận cho khách hàng những ấn tượng về thị giác, thính giác,.. Từ đó, PR khơi gợi sự đồng cảm, niềm vui thậm chí là tự hào để khách hàng lựa chọn thương hiệu, xích gần khoảng cách giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Hạn chế
Công việc tương đối khó để “chạm” đến thành công
Không phải người làm PR nào cũng có thể thành công với con đường mà mình đã chọn. Không giống như các phương tiện quảng cáo khác, hình thức PR nhà quản lý không có quyền kiểm soát trực tiếp nội dung được phân phối thông qua các phương tiện có được. Nếu không có sự cố gắng và đầu tư, những người làm nghề PR sẽ không có việc để làm. Mặc khác, nếu thông tin công bố sai sự thật, người làm PR có thể sẽ bị chỉ trích, lên án và rất khó để phát triển, thành công với nghề.
Tính chất công việc đòi hỏi rất nhiều sức lực và trí tuệ, khá vất vả
Bất kể ngành nghề nào cũng tồn tại những khó khăn nhất định. Trong đó, không ngoại trừ nghề PR. Hàng ngày, bạn luôn gặp phải những áp lực công việc, bắt buộc nắm vững được các thông tin, khối lượng công việc vô cùng nhiều. Nếu công ty đang có chiến lược đẩy mạnh thương hiệu thì người làm PR cũng phải tăng tốc, chạy đua phát triển theo. Chính vì thế, PR là một ngành nghề khá vất vả, đòi hỏi bạn phải có sức khoẻ tốt, chịu lăn xả, bền bỉ và chịu được áp lực tốt.
Mọi người chưa hiểu hết hoặc hiểu phiến diện về nghề PR
Một số người nhìn nhận PR như một công cụ đen tối dùng để “thao túng” nhận thức của con người, dẫn họ đi đến thiệt hại một cách vô thức.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì PR có quyền năng mạnh mẽ đến mức có thể dễ dàng được xem là công cụ tuyên truyền dùng để lấn át tâm trí con người. Đây là hậu quả từ việc sử dụng PR cho nhiều mục đích nhạy cảm, trục lợi từ một số tổ chức, doanh nghiệp khiến cho cái nhìn về nghề PR trở nên tối tăm trong nhận thức của công chúng.
Các công việc của một nhân viên PR cần phải làm
Lên kế hoạch chương trình (Programme Planning)
Trên cơ sở phân tích những thách thức cũng như cơ hội, xác định mục tiêu cụ thể, người làm PR sẽ đề xuất và lập kế hoạch hoạt động, sau đó đánh giá hiệu quả của công chúng.
Việc lập kế hoạch chương trình được xem là một khâu thiết yếu, vô cùng quan trọng trong lịch trình công việc của bất cứ nhân viên PR nào. Khâu này sẽ đảm bảo hoạt động PR đạt hiệu quả như mong muốn, đồng thời có thể giải quyết những vướng mắc nảy sinh.
Tùy thuộc vào mục đích, chiến lược cụ thể của từng doanh nghiệp cũng như năng lực của nhân viên PR mà việc lập kế hoạch được thực hiện khác nhau. Thông thường, một kế hoạch PR sẽ gồm các bước như sau:
- Nghiên cứu, đánh giá tình hình.
- Xác lập mục tiêu của chương trình PR.
- Xác định các nhóm công chúng sẽ hướng đến trong chương trình.
- Lựa chọn và quyết định sử dụng các phương tiện truyền thông.
- Hoạch định về ngân ngân sách.
- Đo lường, đánh giá hiệu quả của chương trình.
Soạn thảo và biên tập (Writing and Editing)
Với PR, văn bản là một công cụ thường xuyên được sử dụng nhất để chuyển tải thông điệp tới công chúng. Các loại văn bản mà nhân viên PR phải thực hiện hàng ngày vô cùng đa dạng, đó có thể là ác bản thông cáo báo chí, tài liệu báo chí, báo cáo dành cho các cổ đông, báo cáo thường niên, bản tin nội bộ.
Do vậy, ngay từ khâu tuyển dụng, bộ phận lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường đòi hỏi ứng viên cho vị trí PR phải có kỹ năng giao tiếp và viết tốt, thành thạo trong việc soạn thảo và biên tập, xử lý các loại văn bản có liên quan. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho những người đang học hoặc làm trong lĩnh vực báo chí nếu có ý định chuyển hướng sang PR.
Thiết kế và sản xuất (Production)
Bên cạnh công việc soạn thảo tài liệu, công việc của người làm PR dù là PR nội bộ hay trong các công ty PR độc lập sẽ luôn gắn liền với việc thiết kế, sản xuất những cuốn niên giám, các bản báo cáo, phim tài liệu, các chương trình truyền thông đa phương tiện,…
Bởi vậy, nhân viên PR chuyên nghiệp cần có kiến thức và kỹ năng cơ bản về thiết kế và sản xuất chương trình, xây dựng mối quan hệ tốt, hiểu biết với các nhà thiết kế trong và ngoài nước.
Quan hệ với giới truyền thông, theo dõi thông tin trên báo chí
J. M. Kaul, một chuyên gia PR của Ấn Độ đã tổng kết rằng: “Mọi người nhìn chúng ta như thế nào là tất cả nội dung hoạt động PR của chúng ta. Việc này lại phụ thuộc rất lớn vào việc các phương tiện truyền thông đại chúng nói về chúng ta như thế nào”.
Có thể thấy, quan hệ với giới truyền thông (Media Relations) là một phần không thể thiếu trong hoạt động PR tại bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. PR thiết lập và phát triển dựa trên một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với giới báo chí. Người làm PR phải liên tục cung cấp thông tin cập nhật mới nhất về cơ quan tổ chức của mình hoặc khách hàng đến báo chí. Công việc này bao gồm: hoạt động soạn thảo, phát thông cáo báo chí, họp báo, tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu,…
Bên cạnh đó, điểm báo (theo dõi thông tin trên báo chí) cũng là một phần quan trọng trong hoạt động PR. Một nhân viên PR chuyên nghiệp phải liên tục duy trì và phát triển hình ảnh của công ty thông qua hoạt động quảng cáo, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Truyền thông (Communication)
Một chiến dịch PR được coi là thành công khi những người “thợ lành nghề” hướng đến sự đồng cảm, thấu hiểu, tin tưởng thay vì quảng cáo một cách phô trương, giả tạo hay nói giảm nói tránh, bóp méo sự thật về đối tượng.
Trong vòng tròn “PR – thương hiệu – khách hàng” luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa PR và thương hiệu để hướng đến những giá trị tốt đẹp, phục vụ cho con người. PR xây dựng những giá trị hữu hình và vô hình cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm hay dịch để khách hàng có thể chọn lựa đối tượng phù hợp, xứng đáng trong thời đại Social Media.
Thông qua các cuộc họp, các buổi ra mắt sản phẩm,… người làm PR cần tinh tế trong việc lồng ghép những thông điệp hiệu quả đến từng nhóm công chúng riêng biệt để đạt được mục tiêu nhất định. Một trong những nội dung cơ bản của hoạt động PR là cung cấp thông tin cho công chúng/ khách hàng, xây dựng mối quan hệ hai chiều giữa công chúng và tổ chức. Chính vì thế, truyền thông đóng vai trò cực kỳ lớn trong quá trình PR của một tổ chức, doanh nghiệp.
Nhiệm vụ này đòi hỏi người làm PR cần phải tích cực trau dồi kỹ năng diễn đạt, giao tiếp ấn tượng. Đồng thời, nhân viên PR phải tinh tế, thấu hiểu tâm lý và nhu cầu của từng nhóm công chúng/ khách hàng khác nhau trong xã hội.
Lên kế hoạch và thực hiện các sự kiện đặc biệt (Special Events)
Để trở thành một nhân viên PR chuyên nghiệp, bạn phải luôn lên kế hoạch và tổ chức điều hành các hoạt động mà người làm trong lĩnh vực PR thường gọi là tổ chức sự kiện (Event).
Các sự kiện vô cùng phong phú, từ hội nghị, triển lãm, những lễ kỷ niệm, cuộc thi, giải thưởng cho đến những lễ ra mắt sản phẩm mới, các buổi họp báo,…
Những hoạt động này hướng đến nhiều mục đích khác nhau, thu hút sự chú ý với nhóm công chúng đặc biệt nào đó. Đây thường là quảng cáo về một số hoạt động, sản phẩm mới và đặc biệt của tổ chức, doanh nghiệp.
Hoạt động này được xem là mảng công việc chính luôn được các công ty PR tại Việt Nam chú trọng. Vì vậy, nếu có ý định đồng hành trong lĩnh vực PR, bạn hãy rèn luyện cho mình những kỹ năng lập kế hoạch cũng như tổ chức một vài sự kiện ngay từ bây giờ đi nhé.
Nghiên cứu và đánh giá (Research and Evaluation)
Đây được xem là hoạt động then chốt không thể thiếu trong hoạt PR của bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Chúng cần trở thành nguyên tắc và thói quen của những người làm PR chuyên nghiệp. Một chương trình PR phải được liên tục đo lường, đánh giá để rút kinh nghiệm, làm tiền đề cho việc xây dựng những kế hoạch sau này được chỉn chu hơn.
Người làm PR sẽ sử dụng đa dạng các phương pháp của ngành khoa học khác để tiến hành nghiên cứu, đánh giá các nhóm công chúng và chương trình.
Có thể thấy, nghề PR bao gồm rất nhiều vị trí công việc và lĩnh vực đa dạng. Với cơ hội làm việc tiềm năng như vậy thì thách thức sẽ càng lớn cho những người muốn theo đuổi nghề PR. Bạn cần phải chứng minh được năng lực, bản lĩnh, niềm đam mê của mình, đồng thời không ngừng nỗ lực, nâng cấp bản thân về mọi mặt mới có thể cạnh tranh, vững vàng trong ngành sáng tạo đầy năng động này. Vì cơ hội sẽ nằm trong tay mỗi người.
Hy vọng với những chia sẻ này, bạn đã phần nào có cái nhìn tổng quan về nghề PR cũng như cơ hội việc làm của công việc thú vị này. Chúc các bạn thành công!