Chiều 25/12, thời tiết các huyện Trần Văn Thời và Cái Nước, Cà Mau bắt đầu âm u, gió nhẹ và mưa. Người dân cũng hối hả chằng néo mái nhà, buộc cửa, căng bạt đề phòng bão số 16 đổ bộ.
Theo ghi nhận của Zing.vn tại thị trấn Sông Đốc, người dân hối hả buộc nhà, bưng bao cát chắn mái hiên, tháo gỡ các bảng quảng cáo. Chính quyền địa phương thị trấn Sông Đốc cũng đã di dời người già, trẻ em lên các cơ sở kiên cố để trú bão như UBND thị trấn, trường tiểu học, đồn biên phòng Sông Đốc, chùa Bà...
"Hầm" trú bão của người dân Cà Mau. Ảnh: P.T. |
Đáng chú ý, gia đình bà Hồ Kiều Diễm (52 tuổi) trong lúc tháo dỡ một phần nhà để đề phòng gió quật ngã đã sáng tạo ra "hầm" chống bão đặc biệt. Đây là không khoảng không gian thấp, diện tích vừa đủ cho khoảng 2 gia đình từ 6 - 10 người trú ẩn.
Bà Kiều cho biết gia đình đào một rãnh bên hông nhà rộng khoảng 3 m, dài 5 m, cao 1 m. Sau đó, bà dùng những cây gỗ to bằng bắp chân làm trụ giữa rồi dùng nhiều cây khác ràng buộc lại thành. Phía trên mái có một lợp thêm hai lớp gỗ và tôn dày, chèn thêm tấm bạt và đè thêm cả chục bao cát.
"Hầm" đặc biệt của bà Diễm. Ảnh: P.T |
Theo bà Diễm, gia đình bà làm hầm từ đêm 24/12. Nếu bão nhẹ thì ở trong nhà còn nặng quá thì chui vào hầm này. Chứ ở trong nhà cao tường sập nên không an toàn.
Theo số liệu của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, đến 8h ngày 25/12, toàn tỉnh đã di dời dân được 1.908; chằng chống nhà cửa được 38.588/73.528; đã kiểm đếm được 888 tàu cá ven bờ, phương tiện thuỷ gia dụng là 2.644 phương tiện; số tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn là 7.239.
Người già, trẻ em ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã được đưa đến Đồn biên phòng Sông Đốc trú bão. Ảnh: Phước Tuần. |
Về phương tiện tàu cá, huyện Ngọc Hiển có 3 phương tiện đang chạy vào, 151 phương tiện tỉnh khác đang neo đậu; huyện Phú Tân có 3 phương tiện đang ở ngoài khơi; huyện Trần Văn Thời có 349 phương tiện xa bờ đang ở ngoài biển (hiện đã liên lạc được, an toàn), 142 phương tiện đang trú ở nước ngoài.