Việc ổn định hoạt động và mở rộng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, pháp luật là một trong số các yếu có có ảnh hưởng lớn, thông qua việc tác động gián tiếp và trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chẳng hạn như thuế, phí, bảo hiểm….
Trong năm 2019 và sang đến năm 2020, nhiều chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng do tác động của một số thay đổi của các quy định của pháp luật có liên quan đến tiền lương tối thiểu vùng, mức lương cơ sở và bảo hiểm xã hội (“BHXH”) mà sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua những điểm tích cực, đặc biệt là các ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những ưu đãi về thuế xuất – nhập khẩu khi Việt Nam trở thành thành viên của các Hiệp ước quốc tế.
Mức lương tối thiểu vùng tăng
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, mức lương tối thiểu vùng năm 2020 chính thức được Hội đồng Tiền lương quốc gia công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP với phương án tăng lên 5,5%, tức là từ 150.000 – 240.000 đồng/tháng tùy vào từng vùng. Cụ thể, so với mức lương hiện nay được quy định tại Nghị định 157/2018/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 thay đổi theo 4 mức sau:
- Vùng 1: 4.420.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);
- Vùng 2: 3.920.000 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
- Vùng 3: 3.430.000 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng);
- Vùng 4 tăng 3.070.000 triệu đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Mức lương tối thiểu vùng quan trọng với doanh nghiệp bởi vì nó là cơ sở để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương của hợp đồng lao động, phí công đoàn. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần rà soát lại mức lương và thang bảng lương đang áp dụng, rà soát lại mức lương tham gia BHXH và điều chỉnh lại cho phù hợp theo hướng dẫn tại Công văn số 2781/BHXH-QLT của BHXH Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 11 năm 2019.
Mức lương cơ sở tăng
Ngày 12 tháng 11 năm 2019, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Một trong số nội dung của Nghị Quyết có đề cập đến mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.600.000 đồng/tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Dù rằng mức lương cở sở không áp dụng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp dân doanh nhưng việc tăng lương cơ sở cũng sẽ có tác động đến vấn đề tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của các doanh nghiệp.
Về điểm này, căn cứ Điều 89 của Luật BHXH 2014, đối với những người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hàng tháng phải đóng BHXH trên mức lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động và các phụ cấp.
Tuy nhiên, trong trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Vì vậy, mức lương tối đa đóng BHXH, BHYT trước đây là 20 x 1.490.000 đồng = 29.800.000 đồng, nay sẽ tăng lên thành 20 x 1.600.000 đồng = 32.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, mức lương cơ sở là mức lương làm căn cứ tính mức đóng cũng như mức hưởng của nhiều chế độ bảo hiểm. Vì vậy, việc tăng mức lương cơ sở sẽ tác động đến việc điều chỉnh tăng thêm của nhiều khoản trợ cấp BHXH so với trước đây, cụ thể tại Nghị định 44/2019/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng được hướng dẫn tại Thông tư 10/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TBXH.
Theo đó, từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức đóng các khoản lương hưu, trợ cấp hàng tháng và trợ cấp BHXH sẽ tăng thêm 7,19% so với mức đóng BHXH của tháng 6 năm 2019, áp dụng đối với 8 nhóm đối tượng, trong đó có viên chức và người lao động. Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ tháng 07 năm 2019 sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp tháng 06 năm 2019 nhân với 1,0719.
Giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Vừa qua, Thông tư số 47/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có quy định một số mức lệ phí đăng ký doanh nghiệp sẽ giảm so với quy định trước đây và được áp dụng từ ngày 20 tháng 9 năm 2019.
Đầu tiên phải kể đến là mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp, theo biểu phí lệ phí quy định tại Thông tư 215/2016/TT-BTC, gồm có: cấp mới, cấp lại, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 200.000 đồng/lần; tương tự đối với các nội dung trên, được áp dụng với văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thì mức phí là 100.000 đồng/hồ sơ.
Tuy nhiên, kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2019, lệ phí cho việc đăng ký doanh nghiệp, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh chỉ còn duy nhất một mức thu là 50.000 đồng/lần. Bên cạnh đó, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp sẽ giảm từ 300.000 đồng/lần xuống còn 100.000 đồng/lần và cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng chỉ còn 4.500.000 đồng/lần (tức giảm 500.000 đồng so với quy định trước đây).
Quy định này góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong vấn đề đăng ký doanh nghiệp, tạo động lực cho các doanh nghiệp yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khuyến khích, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và các hộ kinh doanh chuyển đổi lên loại hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật
Theo thống kê, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, và cũng chính vì lẽ đó, Chính phủ luôn tạo những cơ hội và ưu đãi cho loại hình doanh nghiệp này để giúp họ có đủ sự hiểu biết pháp lý nhất định phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có nhiều cơ hội tiếp cận chính sách pháp luật không phải chịu chi phí trong một mức giới hạn theo luật định.
Một trong những chính sách phải kể đến đó là sự hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP. Theo đó, (i) các doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí nhưng không quá 03 triệu đồng/năm, (ii) các doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 05 triệu đồng/năm; và (iii) các doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.
Như vậy kể từ ngày 16 tháng 8 năm 2019, các doanh nghiệp nói trên sẽ được hưởng các mức ưu đãi về chi phí tư vấn, trong trường hợp nhận được sự hỗ trợ, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật vụ việc đã được hỗ trợ theo quy định pháp luật để được nhận thanh toán chi phí tư vấn pháp luật.
Miễn lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Cũng liên quan đến chủ trương phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian sắp tới, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ ngành và địa phương cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2016/NĐ-CP về chuyển đổi hộ kinh doanh.
Theo Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất miễn lệ phí môn bài đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và các doanh nghiệp mới thành lập (bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) từ ngày 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 của năm khởi sự kinh doanh.
Với quy định này và nếu được thông qua, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được từ 300.000 đồng/năm đến 3.000.000 đồng/năm và từ đó giúp cho các doanh nghiệp mới có thêm điều kiện tích luỹ nguồn vốn, giảm chi phí sản xuất trong giai đoạn đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận và đẩy mạnh các cơ hội, hoạt động đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có thể giảm nhẹ
Một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước hiện nay phải kể đến là thuế thu nhập doanh nghiệp (“TTNDN”). Tùy thuộc mỗi loại hình doanh nghiệp mà Chính phủ có quy định cụ thể mức TTNDN phù hợp.
Hiện nay, mức thuế suất áp dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là 20%[1], gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành một dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế TTNDN [2] nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo đó: mức thuế suất áp dụng với doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm ≤ 03 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm ≤ 10 người là 15%, và 17% là mức thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm ≤ 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm ≤ 100 người.
Bên cạnh đó, tại Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất miễn TTNDN trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ được thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Sau thời gian miễn thuế, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng ưu đãi (thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tương ứng theo quy định của pháp luật về TTNDN. Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất TTNDN tương ứng với loại hình doanh nghiệp theo quy định.
Đối với các doanh nghiệp, nếu Dự thảo Nghị quyết được thông qua thì sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh có khuynh hướng chuyển đổi lên thành mô hình doanh nghiệp với thuế
suất TTNDN ưu đãi là 15%/17% và đặc biệt được miễn thuế trong 02 năm đầu hoạt động. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động thì việc giảm thuế suất này sẽ tạo thêm nguồn lực tài chính khá lớn, từ đó tạo cơ hội cho họ mở rộng sản xuất kinh doanh, có thể thiết lập lại kế hoạch đầu tư hợp lý hơn, và đặc biệt là có thể nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong việc giảm giá thành, chi phí sản xuất, kinh doanh.
Ưu đãi thuế quan từ Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Một trong những thành công của Việt Nam về hội nhập quốc tế trong thời gian vừa qua là ký kết các hiệp định thương mại tự do, nổi bật nhất mà phải kể đến là CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019. Việc tham gia CPTPP đã đem lại một cơ hội mới cho các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào các nước trên thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Vào ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019. Ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực hoặc từ sau 03 đến 05 năm, đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đồng thời, hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam được xuất khẩu sang các nước thành viên sẽ được hưởng mức thuế quan ưu đãi.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế sẽ diễn ra vào ngày 01 tháng 01 hàng năm (trừ Nhật Bản là quốc gia có năm tài chính bắt đầu từ ngày 01 tháng 04 của năm và kết thúc cuối ngày 31 tháng 03 của năm tiếp theo), do Việt Nam và 5 trong số 6 quốc gia phê chuẩn ban đầu (bao gồm các nước: Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Singapore) đã cùng nhau lựa chọn tăng tốc lộ trình xóa bỏ thuế của mình đối với Việt Nam.
Theo đó, thuế suất của Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ 5 quốc gia này trong năm 2019 sẽ được giảm đến mức thuế của đợt hai. Vì vậy, Việt Nam sẽ thực hiện đợt giảm thuế đợt 3 bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 sắp tới.
Như vậy, với những thay đổi nhanh chóng của các quy định của pháp luật như đã nói ở trên, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp mới thành lập nói riêng cần nhanh chóng và kịp thời nắm bắt những thay đổi này để có những điều chỉnh hợp lý đối với hoạt động kinh doanh của mình để giảm thiểu những bất lợi cũng như nắm bắt và tận dụng các cơ hội từ những thay đổi pháp luật để đưa doanh nghiệp tiến nhanh hơn về phía trước.