1Vì sao cần phải vệ sinh máy giặt định kỳ?
Việc vệ sinh máy giặt thường xuyên là một điều rất quan trọng để máy sử dụng được lâu bền, tuy nhiên không phải ai cũng để tâm đến điều này. Sau đây là những lí do mà bạn nên làm sạch máy giặt định kỳ:
- Về mặt thẩm mỹ, máy giặt sẽ trông sạch sẽ, và luôn trong trạng thái như mới, đồng thời ngăn không cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi.
- Quần áo giặt luôn sạch sẽ, thơm tho không bị cặn bột giặt hay xơ vải bám vào, tránh gây kích ứng, bảo vệ làn da người sử dụng.
- Giúp máy hoạt động hiệu quả, bền bỉ theo thời gian.
- Tiết kiệm một khoản chi phí điện nước đáng kể hàng tháng.
- Hạn chế tối đa các lỗi không đáng có trên máy giặt.
2Cách vệ sinh máy giặt cửa trên (lồng đứng)
Bước 1: Vệ sinh bên ngoài thân máy
Bạn hãy chuẩn bị một chiếc khăn hoặc vải mềm nhúng nước rồi vắt ráo để làm sạch bụi bẩn bám trên thân máy.
Nếu gặp các vết bẩn cứng đầu, bạn hãy thử pha baking soda pha với chút nước để tạo thành hỗn hợp hơi sệt, dùng khăn ẩm rồi nhúng và lau lên các vết bẩn cho thật sạch. Sau đó lau lại bằng chiếc khăn sạch khác.
Tránh sử dụng các hóa chất tẩy rửa mạnh hay vật cứng để lau chùi thân máy vì nó có thể gây hại cho các linh kiện cũng như sẽ làm bong lớp sơn phủ bên ngoài.
Bước 2: Vệ sinh lồng giặt
- Đối với máy giặt có chế độ vệ sinh lồng giặt:
Đầu tiên, bạn mở nguồn máy giặt và chọn nút chức năng "vệ sinh lồng giặt". Để đảm bảo lồng giặt được làm sạch hiệu quả nhất, bạn cho vào lồng giặt viên vệ sinh máy giặt hoặc dung dịch chuyên dụng.
Nếu không có bạn có thể sử dụng một xíu nước javen, hoặc pha các dung dịch tẩy rửa tại nhà bằng chanh, giấm ăn, bột baking soda,...
Cuối cùng là nhấn nút "Khởi động", và để máy giặt thực hiện công việc của mình. Sau khi hoàn thành, hãy dùng một chiếc khăn khô để lau lại bên trong máy, mở cửa để đảm bảo nước không đọng lại bên trong và giữ máy khô thoáng.
- Đối với máy giặt không có chế độ vệ sinh lồng giặt:
Bạn sử dụng viên vệ sinh, hoặc thay thế bằng nước javen, hay dung dịch giấm kết hợp với baking soda. Tiếp đó, khởi động một chu trình giặt xả bất kỳ, sau khoảng 15 phút bạn nên nhấn nút “Tạm dừng” để ngâm lồng giặt với các chất tẩy rửa trong 30 - 60 phút rồi tiếp tục khởi động máy đến hết chu trình.
Sau khi hoàn thành, bạn dùng một chiếc khăn khô để lau lại bên trong máy để tránh bị ẩm ướt và mở cửa để đảm bảo máy luôn khô thoáng.
Bước 3: Vệ sinh túi lọc
Túi lọc máy giặt là một bộ phận mà nhiều người hay bỏ qua khi vệ sinh máy giặt, nhưng nó đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu túi lọc bị bám bẩn, chuyển nâu lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giặt của máy, vậy nên khi vệ sinh các bạn cũng nên chú ý phần này.
Đối với hầu hết máy giặt, túi lọc hay khay lọc sẽ nằm ở bên trong máy giặt, nếu bạn không tìm thấy thì hãy xem lại tờ hướng dẫn sử dụng. Bạn chỉ cần lấy ra và rửa sạch rồi lắp lại là xong.
Bước 4: Vệ sinh các bộ phận khác
Ngoài các bộ phận đã kể ở trên, các bạn cũng nên chú trọng làm sạch nắp máy giặt và chùi rửa khay chứa bột giặt, nước xả.
Không những thế, lâu lâu bạn cũng nên kiểm tra lưới lọc của van cấp nước để bảo đảm nó không bị bám cặn hay tắc nghẽn. Chi tiết bạn có thể tham khảo bài viết sau.
3Cách vệ sinh máy giặt cửa trước (lồng ngang)
Bước 1: Vệ sinh bên ngoài thân máy
Tương tự như máy giặt cửa trên bạn cần chuẩn bị một chiếc khăn vắt ráo nước để lau chùi bên ngoài thân máy, và cũng không nên sử dụng chất tẩy rửa mạnh hay vật gì đó cứng để kì cọ máy sẽ dễ gây trầy xước thân máy hoặc hư hỏng linh kiện.
Bước 2: Vệ sinh lồng giặt
Vệ sinh lồng giặt máy cửa trước cũng giống máy cửa trên. Bạn hãy sử dụng chế độ vệ sinh lồng giặt nếu máy nhà bạn có chức năng đó.
Trường hợp máy giặt nhà bạn không tích hợp tiện ích vệ sinh lồng giặt, hãy bỏ viên vệ sinh máy giặt hoặc các chất tẩy rửa chuyên dụng vào lồng giặt, rồi khởi động một chương trình giặt xả bất kỳ. Sau đó, bạn nhấn nút "Tạm dừng" máy khoảng 30 - 60 phút để lồng giặt ngâm trong dung dịch tẩy rửa.
Cuối cùng, để máy hoàn thành chương trình giặt. Sau khi vệ sinh xong, bạn nên sử dụng khăn lau lồng giặt và để cửa mở cho thông thoáng, tránh bị ẩm ướt.
Bước 3: Vệ sinh cửa trước và gioăng cao su
Dùng khăn đã được vắt ráo nước, lau mặt trong và ngoài cửa. Sau đó, lau bề mặt của gioăng máy giặt, nhớ chú ý kéo nhẹ tấm cao su để có thể lau bên trong những khe nhỏ, vì đó là nơi tích tụ rất nhiều cặn bẩn.
Nếu các vết bẩn quá cứng đầu, bạn hãy kết hợp thêm các dung dịch tẩy rửa nhé!
Bước 4: Vệ sinh bộ lọc
Bộ lọc cặn của máy giặt cửa trước thường nằm ở góc dưới máy. Để vệ sinh bộ phận này, bạn cần mở nắp đậy, để lấy ống lọc cặn ở bên trong và ngâm trong nước để làm sạch các bụi bẩn bám trên đó. Sau khi đã vệ sinh sạch sẽ bạn chỉ cần đặt lại vị trí cũ và kiểm tra xem mình đã lắp đúng chưa.
Bước 5: Vệ sinh các bộ phận khác
Tháo ngăn chứa ra và dùng khăn hoặc bàn chải để lau chùi bên trong hốc của ngăn bột giặt thật kỹ.
Đối với ống xả, bạn cũng cần kiểm tra thường xuyên. Hãy kiểm tra phần khớp nối giữa ống xả nước và máy, nếu bị đóng cặn, bạn hãy khăn lau nó đi.
4Bao lâu thì nên vệ sinh máy giặt?
Nếu bạn không có nhiều thời gian thì ít nhất bạn cũng nên tổng vệ sinh máy giặt 6 tháng/lần.
Nếu được, bạn nên làm sạch thân máy, cửa trước, gioăng cao su hàng tuần hoặc ít nhất 2 tuần/lần, đối với lồng giặt và bộ lọc cặn thì 3 tháng/lần. Còn các bộ phận khác bạn cũng nên kiểm tra và vệ sinh định kỳ mỗi 6 tháng.
5Những lưu ý khi sử dụng để bảo quản máy giặt bền lâu
Ngoài vệ sinh máy giặt định kỳ ra, bạn cần biết những lưu ý sau để bảo quản máy giặt và kéo dài tuổi cho máy:
- Tắt nguồn điện của máy giặt khi không sử dụng để tránh bị chập điện.
- Lau chùi sạch sẽ khay chứa bột giặt, nước xả sau khi giặt xong để tránh bị đóng cặn.
- Lau chùi sạch nước bên trên và xung quanh máy giặt.
- Đặt máy giặt nơi thông thoáng và luôn đảm bảo khu vực xung quanh máy giặt luôn khô ráo.
- Nên sử dụng bột giặt chuyên dụng dành cho máy giặt để tránh bị trào bọt ra ngoài.