Đừng giống Facebook…
Thực ra nhận định của ông Hải cũng không phải mới mẻ, mà chỉ là thêm một sự xác nhận của một người đang giữ trọng trách "lèo lái" tại một đơn vị đang phát triển một mạng xã hội Việt.
Facebook ngay từ khi hình thành và trong bước đường phát triển đã "quật ngã" đối thủ mạnh hơn nó và ra đời trước nó tại Mỹ chính là MySpace. Còn nhớ, vào những năm 2003-2004, MySpace mới là mạng xã hội số 1 tại Mỹ khi cán mốc số người đăng kí sử dụng lên đến 70 triệu người trong khi Facebook mới manh nha trong môi trường đại học. Thế nhưng, hai nền tảng khác nhau, hai sức mạnh kết nối khác nhau, Facebook sau đó không chỉ "quật ngã" MySpace mà còn cả gã khổng lồ một thời Yahoo! với dịch vụ Yahoo!Blog 360 từng gây sốt tại Việt Nam.
Twitter, lớn mạnh sau Facebook, và cũng đã lên sàn chứng khoán tại Mỹ. Ban đầu, Twitter thể hiện sức mạnh với những nét rất riêng. Tuy nhiên gần đây, Twitter cho thấy sự đuối sức trong RD ra những cái mới và phần nào đó bắt đầu "mơ hồ" về đường hướng và đã sa vào những tính năng mà Facebook đang rất mạnh.
Sau khi Yahoo! Blog 360 bị "dẹp tiệm" ở Việt Nam, mạng xã hội Việt được nhiều người dùng chính là Zing Me. Khi Zing Me có đến 5 triệu người dùng thì Facebook mới có khoảng 2 triệu người dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, xét từ tính năng, nền tảng và sự kết nối, Zing Me đã không chịu nổi sức ép cạnh tranh từ Facebook và cuối cùng phải chịu số phận như bao "mạng xã hội đại chúng" khác (Mass Social Network).
Trong một lần trao đổi với tôi, ông Vũ Thanh Long - Giám đốc Công ty phát triển và vận hành ứng dụng eDoctor – cũng có nhận định rằng "chưa có ai có thể cạnh tranh được với Facebook".
Ngay cả Mocha của Viettel Media đến thời điểm này đã có 7 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng hay Hahalolo và Gapo mới ra mắt gần đây, nếu vẫn cứ tiếp tục theo đuổi con đường xây dựng, phát triển một "mạng xã hội đại chúng" về tính năng và tập người dùng như Facebook, chắc chắn cũng sẽ bị Facebook đánh bại hoặc sẽ tự diệt vong. Nói thế không có nghĩa là Facebook đang vô địch và tồn tại mãi mãi. Khi Facebook phủ định được MySpare, Yahoo!Blog 360, Zing Me.v.v… bằng nền tảng công nghệ mới của mình, Facebook cũng có thể bị một nền tảng mới ưu việt hơn phủ định trong tương lai.
Theo ông Vương Quang Khải - Phó tổng giám đốc Công ty VNG phụ trách khối Zalo, ngày nay cứ khoảng mỗi 5 năm một nền tảng mới ra đời, nếu tảng trước đó không tự cải tiến, đổi mới thì rất dễ bị nền tảng mới ra đời sau đánh bại. Trong khi đó, Jeff Bezos – CEO của Amazon – thì cho rằng, ngày nay khó có công ty nào tồn tại được đến một thế kỉ mà nhiều nhất chỉ vài thập kỉ mà thôi.
Né Facebook, chính là định vị một hướng đi không sa vào mô hình của mạng xã hội số 1 hành tinh này, đặc biệt là đấu về công nghệ kết nối và tương tác, nền tảng rộng toàn cầu, tập khách hàng đa dạng…
Ông Võ Thanh Hải có đưa ra một hướng phát triển mới cho mạng xã hội Việt Mocha là theo mô hình siêu ứng dụng chuyên cung cấp các dịch vụ và tiện ích giải trí nhắm vào giới trẻ. Thực ra đây cũng là một hướng mà Zing Me đã từng làm nhưng rất tiếc mạng xã hội Việt này cách đây gần 10 năm về trước còn thiếu "thiên thời" và "địa lợi". Sự dịch chuyển sang mô hình siêu ứng dụng của Mocha bắt đầu từ năm 2018, với hai yếu tố "thiên thời" là thời đại siêu ứng dụng Công nghệ 4.0 đã chín muồi và "địa lợi" là nhu cầu sử dụng siêu ứng dụng đang bùng nổ tại Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung.
Yếu tố thứ ba nếu có thể xem là "nhân hòa" thì chính vị thế của Viettel nói chung với hệ sinh thái đa dạng đang hỗ trợ đắc lực cho Mocha trong thời gian tới theo mô hình siêu ứng dụng. Cụ thể, Mocha có thể tích hợp được các tiện ích, dịch vụ như cổng thanh toán ViettelPay, ứng dụng cho thuê bao di động MyViettel, ứng dụng đặt xe MyGo, kho nội dung phim ảnh, bài hát, video, tin tức báo chí.v.v… mà người dùng Mocha có thể sử dụng miễn phí hoặc trả phí…
Căn cứ theo định nghĩa "siêu ứng dụng là ứng dụng cho mọi nhu cầu hàng ngày của người dùng" thì ngay cả Facebook cũng chưa phải hoạt động theo mô hình siêu ứng dụng. Nói chính xác hơn, Facebook đang là mạng xã hội số 1 hành tinh với số người dùng thường xuyên hàng ngày là 1,5 tỉ và hàng tháng khoảng 2,5 tỉ. Facebook là ứng dụng mạng xã hội cung cấp các tiện ích truyền thông với nền tảng công nghệ kết nối mạnh mẽ và rộng mở. Còn mô hình siêu ứng dụng trên thế giới, đó là những WeChat, Grab, Go-Viet; còn tại Việt Nam có thể kể thêm những cái tên như Zalo, MoMo và cả Mocha nếu đi theo con đường này.
Mô hình siêu ứng dụng ở thời điểm hiện tại chính là một cách… né Facebook hay chí ít là vì Facebook chưa triển khai đường hướng phát triển theo mô hình này.
Song không có nghĩa là chỉ có con đường siêu ứng dụng mới là cách né Facebook. Nhìn ra rộng hơn, WeChat là một trường hợp né Messenger và cả WhatsApp của Facebook, TikTok là trường hợp điển hình né Facebook và cả mạng xã hội video thống lĩnh thế giới hiện nay là YouTube của Google. Bigo Live, từng là một ứng dụng có lối đi riêng nhưng về nền tảng công nghệ và các tính năng, tiện ích không phát triển được tới tận cùng của sự khác biệt so với Facebook và YouTube nên không thể phát triển mạnh. Song phương án kinh doanh thương mại của Bigo Live thì rất đáng để học hỏi mà hiện nay không ít ứng dụng ra đời sau bắt chước theo.
Né Facebook còn là các thị trường ngách, như mạng xã hội về du lịch, hẹn hò, việc làm.v.v… nhưng không thể chỉ cung cấp đơn thuần một, hai dịch vụ cốt lõi mà cần tích hợp đa dịch vụ và tiện ích thì mới có thể giữ chân được người dùng, hay chí ít níu được họ sử dụng song song với các mạng xã hội đại chúng như Facebook hoặc YouTube…