Trả lời được câu hỏi này nhà đầu tư có thể kiếm được tiền trên thị trường vì suy cho cùng đa số chúng ta tham gia vào TTCK là mong hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán hơn là mua cổ phiếu để kỳ vọng nhận cổ tức. Vì nếu chỉ để nhận cổ tức, chắc khó có nhà đầu tư nào lại đi mua CTD với giá 200 chỉ để nhận 5-6.000đồng/cp cổ tức mỗi năm.
Vì vậy lợi nhuận mà chúng ta có là do người đến sau chấp nhận trả cao hơn so với giá mà trước đó chúng ta mua vào. Giá bạn mua không quan trọng bằng giá mà người đến sau chấp nhận trả cho bạn. Chỉ có hiểu được nguyên lý vì sao người khác lại chấp nhận trả giá cao cho cổ phiếu mà bạn đang nắm giữ thì chúng ta mới có khả năng kiếm được tiền trên thị trường.
Có hàng ngàn lý do để cổ phiếu tăng giá, tuy nhiên ở đây chỉ điểm ra 4 lý do chung để cổ phiếu tăng giá, qua đó giúp nhà đầu tư đi tìm cho mình những phương pháp cách để tìm kiếm những “ý tưởng" đầu tư hiệu quả.
Do thị trường chung tăng
Thị trường chung là một “khái niệm" thường được dùng để chỉ những loại chỉ số phổ biến nhất (ở Việt Nam là chỉ số VnIndex). Chỉ số này cho bạn biết mức độ mạnh hay yếu của các hoạt động giao dịch hàng ngày.
Việc nhận ra thị trường đang trong giai đoạn nào theo William Oneil - người được mệnh danh là phù thuỷ “phố Wall" quyết định đến 50% thành công, và ông cũng cho rằng thật khó khăn khi bạn “lội ngược dòng" thị trường chung.
Trong một thị trường uptrend tăng mạnh, đa số nhà đầu tư đều cảm thấy dễ kiếm ăn (easy-money) vì các cổ phiếu có xu hướng đồng loạt tăng cùng chiều với thị trường chung. Sóng các ngành tăng đồng pha như sóng dòng thép, dòng ngân hàng, dòng chứng khoán...và khi mua các cổ phiếu theo các dòng dẫn sóng trong thị trường chung thuận lợi các nhà đầu tư đều thu được một khoản lợi nhuận vì khi đó thị trường đang cho rằng dòng đó đang dẫn sóng và hút được dòng tiền và họ sẽ sẵn sàng trả giá cao cho người mua trước đó để đón đầu xu hướng.
Do đội lái
Nhiều cổ phiếu được đưa lên sàn với nhiều mục đích khác nhau, và mục đích “lái" cổ phiếu lên có những lý do riêng của những nhà tạo lập. Có những cổ phiếu lớn có thương hiệu để đảm bảo “danh tiếng" của họ trên thị trường thì việc IPO không thể thất bại bằng việc cổ phiếu giảm hay nằm sàn được, mà thường phải tăng trần mấy phiên chào sàn.
Hay đơn giản là những cổ phiếu lái lên để đảm bảo việc phát hành thêm cho đối tác chiến lược thành công, lái cổ phiếu lên để thế chấp vay vốn ngân hàng, lái cổ phiếu lên để lướt sóng chính cổ phiếu của mình và thu tiền từ thị trường.
Và chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những phát ngôn của lãnh đạo trên truyền thông khi cho rằng: “chuỗi ngày cổ phiếu dưới mệnh sẽ chấm dứt", “cổ phiếu chúng tôi đang dưới giá trị và không có giá dưới 3x"...và cứ như vậy đúng là các cổ phiếu này sau đó đều tăng thật
Nhiều người quan niệm rằng: cổ phiếu chỉ có lái mới lên được, chứ chúng ta không nên mua để chờ thị trường nhận ra nó tốt, trên thị trường đầy những cổ phiếu tốt nhưng tại sao không lên nên nhiều nhà đầu cơ trên thị trường có xu hướng đọc “game", đọc “vị” lái để men theo đó kiếm ăn.
Do tin nội bộ
Chúng ta cũng biết các trường hợp rò rỉ thông tin nội bộ về kết quả kinh doanh sắp công bố, hay lãnh đạo sắp mua vào, hay cổ phiếu chuẩn bị được vào rổ ETF, hay sắp ký dự án “khủng”...
Nhiều người trên thị trường cũng chưa kịp hiểu vì sao cổ phiếu của mình lại tăng giá chóng mặt đến như vậy cho đến khi thông tin công bố họ mới nhận ra là trước đó nhiều người tích cực gom cổ phiếu đển đón đầu thông tin này.
Trên thị trường có nhiều trường phái đánh theo tin nội bộ, nhưng việc đánh theo tin nội bộ đúng 10 lần thì niềm tin lần thứ 11 thường rất lớn và có thể dẫn đến “tất tay" trong một cổ phiếu, đôi khi rất có thể người ra tin không cố ý đưa tin sai mà chính họ cũng là “nạn nhân" của những game lừa đảo.
Do kỳ vọng tăng trưởng dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp
Vì sao VEF tăng giá gấp 7,5 lần trong chưa đầy 6 tháng, lên sàn Upcom từ cuối năm 2015 với giá khởi điểm 10.100 đồng/cp, tính đến ngày 29/3 thị giá VEF lên đã lên tới 75.000 đồng/cp (gấp 7,5 lần)
Lý giải cho điều này là do VEF đang nắm giữ một khối lượng tài sản khổng lồ và giá trị tài sản đó chưa thể hiện được so với vốn hoá thị trường của VEF tại thời điểm 10.100 đ/cp, theo đó VEF nắm quyền quản lý khai thác khu đất vàng rộng gần 7 ha tại 148 Giảng Võ, 4 nhà trưng bày với tổng diện tích gần 10.000 m2, 3 nhà hội thảo cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Đây là dạng cổ phiếu thuộc “Asset Play" theo định nghĩa của nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch.
Ngoài ra có những cổ phiếu tài sản “ngầm" rất ít và gần như không có, thị giá trên book value cao rất nhiều lần nhưng do nhà đầu tư kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng, khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai của doanh nghiệp đó mà háo hức mua vào khiến giá cổ phiếu tăng cao.
Bạn có nghĩ vì sao cổ phiếu như Facebook chỉ là một trang mạng xã hội lại có thời điểm được định giá PE = 100, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chấp nhận “ứng trước" 100 năm lợi nhuận trong tương lai của Facebook khi mua với giá hiện tại?
Đó là do nhà đầu tư đánh giá khả năng tăng trưởng của nhà mạng xã hội lớn nhất hành tinh này, nên “betting on the future" - đặt cược vào tương lai của doanh nghiệp.
Điều này cũng lý giải cho việc vì sao những cổ phiếu PE cao, giá lại thường còn tiếp tục cao hơn vì triển vọng tương lai của chúng sáng sủa, chúng thuộc loại “fast growers", chính sự tăng trưởng sẽ rút ngắn lại giá trong tương lai so với mức giá hiện tại, trong khi đó những cổ phiếu PE thấp, cổ tức cao, chỉ số tài chính đẹp nhưng chúng lại không hề được tăng giá bởi nó không đem đến cho các cổ đông sự kỳ vọng về tương lai có thể do ngành nghề khó phát triển, giá sản phẩm giảm, khó án, quy mô sản xuất bị thu hẹp hay ngành nghề đang bị bão hoà.
Vì sao VNM lại tăng giá 28 lần trong 6 năm qua vì tổng lợi nhuận VNM làm ra trong 6 năm cho cổ đông là gần 40.000 tỷ đồng, trong khi cách đây 6 năm vốn hoá thị trường của VNM chỉ có 7.000 tỷ đồng. Đó chính là lý do khiến VNM tăng giá 28 lần (chưa kể cổ tức) trong vòng 6 năm.
Mỗi hiện tượng tăng giá cổ phiếu mà chúng ta có thể nhìn thấy được đều ẩn chứa câu chuyện tăng trưởng doanh nghiệp đằng sau. Nhiệm vụ của những nhà đầu tư là phải đánh giá và định lượng tốt các “yếu tố" thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, như việc xây nhà máy mới, tung ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường mới …. để có thể đón đầu cơ hội mua vào “sớm" những cổ phiếu này.
Như trong trường hợp VNM, doanh nghiệp tăng 1.000 tỷ đồng nguyên giá tài sản cố định từ 3.131 tỷ lên 4.313 tỷ đồng vào năm 2010, làm cho doanh thu tăng thêm 5.000 tỷ và lợi nhuận tăng thêm 1.200 tỷ đồng trong năm đó.
Tiếp tục năm 2012, nguyên giá tài sản cố định tăng thêm 1.200 tỷ đồng, làm cho doanh thu tăng thêm 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận tăng thêm 1.600 tỷ đồng nữa trong năm đó.
Năm 2013 VNM khánh thành nhà máy sữa ở Bình Dương, nguyên giá tài sản cố định tăng thêm 5.000 tỷ đồng, và doanh thu VNM tiếp tục tăng thêm 5.000 tỷ và lãi thêm gần 1.000 tỷ cũng trong năm đó
Ngoài các yếu tố như sản phẩm có thế dễ dàng tăng giá bán, có thể chuyển chi phí sang cho người dùng, thì không thể phủ nhận VNM liên tục nâng capex của mình để mở đường tăng trưởng cho doanh thu và lợi nhuận sau này. Quá trình đầu tư liên tục nhưng VNM không hề tăng vốn bằng phát hành thêm bắt cổ đông nộp tiền (mà chỉ có chi trả cổ phiếu thưởng từ thặng dư để lại), mặc dù TSCĐ tăng mạnh nhưng tồn kho không tăng đáng kể, các khoản phải thu cũng gần như không tăng, sản phẩm được tiêu thụ khá tốt.