Như ICTnews đã đưa tin, chiều ngày 7/6/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTHTTĐT) đã công bố một loạt các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của Google và YouTube.
Theo Cục PTTHTTĐT, tình trạng các clip xấu, độc được đăng tải trên nền tảng YouTube vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân của chiều hướng gia tăng này là do cả 5 chủ thể tham gia vào hoạt động trên Google và YouTube đều có các sai phạm.
Cụ thể, qua quá trình theo dõi, rà soát Cục PTTHTTĐT nhận thấy các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: YouTube, Google; các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; Những nhãn hàng, thương hiệu mua quảng cáo trên nền tảng YouTube, Google; Những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).
Nói cụ thể về những sai phạm của các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Phát thanh truyền hình cho biết, theo báo cáo của YouTube gửi Bộ TTTT, hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Elsa nội dung dành cho trẻ em nhưng lại có nội dung gợi tình. |
Trong đó, sai phạm chủ yếu là: Nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, thậm chí cả các nghệ sỹ có tiếng cũng làm nội dung theo hướng này. Nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy. Nội dung gây hại cho trẻ em... làm clip cho trẻ em nhưng lồng ghép nội dung hở hang, nhảm nhí. Nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền, loại nội dung này trên YouTube rất nhiều, mục đích chính làm sao câu được nhiều view và câu được tiền quảng cáo trở lại.
Từ 2016 có trào lưu làm nội dung trên YouTube để được chia sẻ tiền quảng cáo, trong hai năm trở lại đây trào lưu này nở rộ. Nhiều nhà sáng tạo nhận được nút vàng, nút bạc và được chia sẻ tiền hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng quảng cáo mỗi tháng.
Hình ảnh gợi tình trong một phim hoạt hình cho trẻ em. |
“Ban đầu, khi xây dựng kênh các nhà sáng tạo thường làm các nội dung tốt, nhưng sau đó dần dần họ chuyển hướng sang làm các nội dung sai phạm để câu view, câu like nhiều hơn, mục đích là để kiếm được nhiều quảng cáo. Nhưng dần dần nhiều người có xu hướng đi theo con đường “tà đạo”, làm các nội dung sai phạm, vô bổ để câu view, chủ yếu mấy nội dung chính là gợi dục, hở hang, khiêu dâm, bạo lực”, đại diện Cục PTTHTTĐT cho biết.
Các kênh YouTube tiếng Việt để phát triển nội dung, kiếm tiền quảng cáo thì họ có thể tham gia vào mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam. Tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google cho Bộ TTTT thì YouTube có 5 MCN tại Việt Nam (Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia) quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube tiếng Việt. Mới đây, Yeah1 đã bị rút giấy phép do những vi phạm chính sách của YouTube.
Ngoài 6.000 kênh YouTube do các MCN quản lý, qua rà soát của Cục PTTHTTĐT, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Cục PTTHTTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.
YouTube đang gặp khủng hoảng trên toàn cầu về quản lý nội dung lỏng lẻo, YouTube có động thái đổ lỗi cho MCN, rút giấy phép một số MCN như trường hợp của Yeah1. Nhưng dù vậy không thay đổi được nhiều trong quản lý nội dung, thực tế YouTube đang dung túng, mắt nhắm mắt mở cho 130.000 kênh YouTube tiếng Việt có nhiều nội dung vi phạm.
Theo quan sát của ICTnews, trên YouTube còn tồn tại rất nhiều các kênh có nội dung rác, nội dung chất lượng kém, và vi phạm bản quyền của báo chí. Nhiều kênh không sản xuất các video mà chủ yếu cóp nhặt nội dung mới, nóng từ các báo, rồi lấy hình ảnh trên báo và chạy chữ kèm đọc tiếng rồi đăng lên YouTube. Những video loại này vi phạm bản quyền của các báo và chất lượng hình ảnh và âm thanh rất kém, nhưng trên YouTube tràn lan những kênh loại này.
Nội dung vi phạm bản quyền trên YouTube tràn lan, các đài truyền hình, các hãng phim đều là nạn nhân của các kênh vi phạm bản quyền. Nhất là những giải đấu thể thao hấp dẫn, hoặc các bộ phim ăn khách thường bị các kênh YouTube livestream trái phép để câu view.
Khôi Nguyên