Dưới đây là 10 sai lầm phổ biến nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân mà người trẻ thường mắc phải:
1. Đợi đến khi "có nhiều tiền hơn” mới đầu tư
Trái ngược với suy nghĩ thông thường, bạn không cần phải là một chuyên gia tài chính cá nhân hay nhận được một khoản thưởng lớn thì mới bắt đầu tính đến chuyện đầu tư.
Một trong những cách đầu tư đơn giản nhất là mua bảo hiểm tích lũy, hoặc tham gia các gói bảo hiểm hưu trí.
Ngoài ra, có những ứng dụng giúp cho việc đầu tư đơn giản và dễ tiếp cận hơn như Acorns. Hoặc bạn có thể tham khảo những dịch vụ đầu tư tự động (tư vấn tự động).
Thông điệp mấu chốt là không chờ đợi. Kể cả khi bạn không thể đầu tư một số tiền lớn, hãy tạo thói quen để riêng ra một khoản tiền nhỏ hàng tháng. Và mỗi khi được tăng lương hay thưởng, hãy tính toán ngay số tiền mà bạn có thể bỏ ống từ đó.
2. Có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu
Nếu như bạn tiêu hết số tiền mình kiếm được, thậm chí vung tay quá trán, bạn sẽ dễ dàng rơi vào cảnh sống phụ thuộc vào thẻ tín dụng. Lối sống đó khiến cho việc tích lũy tài sản gần như bất khả thi.
Giải pháp: Kiếm 10 nhưng chỉ tiêu 6 đến 7 phần.
3. Không có mục tiêu tiết kiệm
Tiền không tự nhiên xuất hiện. Nếu như bạn muốn tiết kiệm được nhiều hơn, bạn cần có mục tiêu rõ ràng và xây dựng một kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu đó.
Hãy bắt đầu bằng việc xác định chính xác những khoản tiêu lớn bạn sẽ phải thực hiện trong tương lai, như nhà, xe hoặc tiền học cho con. Tiếp đến, xác định xem bạn cần phải tiết kiệm được bao nhiêu tiền mới đủ cho những mục tiêu đó, tiết kiệm trong bao lâu.
Cuối cùng, hãy thiết lập chế độ chuyển tiền tự động định kỳ (tuần hoặc tháng) từ tài khoản ngân hàng lĩnh lương sang tài khoản tiết kiệm của bạn.
4. Thanh toán chậm trễ các hóa đơn
Ngoài việc bị đội thêm phí, việc thanh toán trễ hóa đơn còn khiến cho điểm tín dụng của bạn bị thấp đi, ảnh hưởng đến khả năng vay tiền ngân hàng cho những hạng mục lớn (nhà, xe) sau này.
Cách khắc phục rất đơn giản: thiết lập chế độ thanh toán tự động qua mạng đối với những chi phí cố định hằng tháng như truyền hình, Internet, bảo hiểm. Với những chi phí không thể thanh toán trực tuyến như tiền thuê nhà, hãy kích hoạt tính năng nhắc lịch trên smartphone.
5. Không trả hết dư nợ thẻ tín dụng
Hầu hết thẻ tín dụng chỉ yêu cầu bạn thanh toán 1 - 3% hạn mức mỗi tháng. Nghe thì có vẻ là một lựa chọn hấp dẫn, nhất là khi ngân sách của bạn eo hẹp. Nhưng về lâu dài, bạn sẽ phải tốn kém hơn nhiều do lãi suất cộng dồn.
Hãy hình thành thói quen thanh toán toàn bộ dư nợ của thẻ. Nếu thường xuyên không đủ tiền thanh toán hết, tốt nhất hãy "cai” thẻ.
6. Không hiểu tiền đi đâu
Dù cho là gọi Uber, ngồi quán café góc đường mỗi sáng hay nhặt thêm lọ kẹo cao su ở quầy tính tiền siêu thị, rất dễ để bạn tiêu tiền một cách thiếu suy nghĩ.
Hãy theo dõi chi tiêu hàng ngày của mình để có hình dung rõ nét về việc mình đã tiêu tiền cho những hạng mục nào, có thể cắt giảm khoản gì. Đừng dừng lại ở đó, hãy làm việc gì đó với số tiền cắt giảm được, như bỏ ống hoặc đầu tư chẳng hạn.
7. Lấy tiền tiết kiệm ra tiêu
Nếu bạn đã mở tài khoản tích lũy, hãy tránh xa nó ra.
Việc rút tiền trước thời hạn sẽ khiến bạn bị mất lãi suất, thậm chí bị phạt (với một số ngân hàng hoặc hãng bảo hiểm). Ngoài ra, bạn sẽ không thể duy trì thói quen tích lũy một cách lâu dài.
Quy tắc này cũng nên áp dụng cho quỹ khẩn cấp. Đừng bao giờ động vào đó trừ phi bạn gặp phải một "thảm họa” đe dọa cuộc sống của mình.
Để xây nên một hàng rào ngăn giữa bạn và tiền tích lũy, hãy chọn hình thức tài khoản có lãi suất cao và quy định ngặt nghèo về rút trước hạn.
8. Phớt lờ các gói bảo hiểm
Khi còn trẻ, bạn rất dễ nghĩ rằng mình khỏe mạnh và bỏ qua việc mua bảo hiểm để tiết kiệm tiền. Nhưng chỉ cần một tai nạn bất ngờ cũng có thể khiến tất cả những gì bạn tích lũy được mất sạch.
Các gói dịch vụ bảo hiểm mang tính cá nhân hóa rất cao. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin bằng cách tham khảo nhiều nơi, so sánh, thương lượng, đọc thật kỹ điều khoản trước khi ký hợp đồng bảo hiểm.
9. Không ưu tiên những khoản nợ lãi suất cao
Không phải mọi khoản nợ đều như nhau. Một chiến lược tài chính hiệu quả là xếp hạng các khoản nợ theo thứ tự lãi suất, từ mức cao nhất đến thấp nhất. Sau đó, ưu tiên thanh toán những khoản nợ lãi cao trước.
Có một lựa chọn khác là xếp hạng các khoản nợ theo số tiền và hãy bắt đầu từ những khoản nợ nhỏ nhất. Đây là một chiến lược mà chuyên gia tài chính cá nhân Dave Ramsey tư vấn. Ý tưởng là mỗi khi bạn trả một khoản nợ, bạn sẽ có đà để "xử lý” khoản nợ tiếp theo.
10. Cố thể hiện trước bạn bè
Thể hiện phong độ trước mặt bạn bè, đồng nghiệp là sai lầm của nhiều người. Có tới 78% số người Mỹ trong độ tuổi 25 - 34 hình thành thói quen tiêu xài dựa trên việc quan sát cách tiêu tiền của bạn bè họ.
Việc chọn nơi ăn, trang phục và thiết bị công nghệ sử dụng tương xứng với bạn bè có thể hủy diệt ví tiền của bạn.