Virus Corona là gì?
Virus Corona là một họ virus lớn gồm nhiều chủng loại virus ảnh hưởng đến hệ hô hấp của động vật có vú, bao gồm cả con người. Đây là một bệnh gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như cảm lạnh thông thường, mệt mỏi, viêm phổi, suy hô hấp nặng, ảnh hưởng đến đường tiêu hóa hoặc các bộ phận khác trong cơ thể, khiến người bệnh tử vong.
2019-nCoV là chủng virus Corona mới chưa từng được phát hiện ở người trước đây. Virus này được xác định là tác nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong một cuộc điều tra bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Trước đó, các chủng virus corona cũng đã gây nên nhiều đại dịch nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 hay Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS – CoV) năm 2012.
Biến chủng virus Corona là gì?
Biến chủng virus Corona là “thuật ngữ” để miêu tả biến thể của virus Corona khác biệt với các virus đồng loại của nó một cách đáng kể. Sự khác biệt này được thể hiện ở các khía cạnh: tính dễ lây (khả năng truyền bệnh), độc lực (khả năng gây bệnh), sự nhạy cảm với thuốc điều trị/vắc xin phòng ngừa (khả năng chịu đựng) của virus SARS-CoV-2.
Virus biến thể có phải là bình thường hay không? Chúng biến thể như thế nào?
TTND.GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Virus Corona có 4 nhóm (nhóm A, B, C, D) thì nhóm B có khả năng đột biến nhiều nhất. Trước đây, Coronavirus có thể gây bệnh cảm lạnh, dân gian gọi là cảm cúm, nhiều người tưởng rằng bệnh này giống như cảm cúm nhưng thực ra nó là do căn nguyên khác và có tính đột biến cao. Năm 2002, Coronavirus đã đột biến thành chủng virus gây ra đại dịch SARS với nguy cơ tử vong khá cao, từ 40-60%. Khi đó, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế được bệnh này.
Đến năm 2019, Corona tiếp tục biến đổi thành nCoV, nó gắn kết với 85% gen corona cổ điển, 15% đột biến ra chủng mới. Những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận đầu tiên tại Vũ Hán, sau đó lây lan ra khắp và trở thành đại dịch toàn cầu. Trong quá trình lây truyền giữa các quốc gia, các châu lục, giữa người với người thì virus tiếp tục đột biến, đây là sự khác biệt của SARS-CoV-2. Các chuyên gia khẳng định, việc virus liên tục biến thể là điều hoàn toàn bình thường.
Chúng ta có thể hiểu rằng, những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể” (variant). Sau khi biến đổi chúng sẽ có những biểu hiện rõ ràng, cụ thể được gọi là “biến chủng” (mutant). Tức là, khi virus có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu – đó là biến chủng của virus.
Virus chỉ nhân lên hoàn toàn trong tế bào sống của vật chủ (vi khuẩn, thực vật, hoặc động vật). Cấu tạo của virus bao gồm lớp vỏ bên ngoài là protein hoặc đôi khi là lipit (cồn, xà bông sát khuẩn là để đánh bay lớp vỏ này), lõi nhân là RNA hoặc DNA và đôi khi là các enzyme cần thiết cho bước đầu tiên nhân bản của virus.
Trong quá trình nhân bản, bộ gen của virus sẽ có những biến đổi, đặc biệt là những virus có bộ gen RNA. Virus SARS-CoV-2 có bộ gen RNA và nó cũng có những thay đổi do những sai lầm quá trình nhân bản. Những thay đổi đa phần không có ý nghĩa khi không làm thay đổi mã di truyền của virus, song, chỉ cần ít nhất một mã di truyền thay đổi đã đủ tiêu chuẩn thành biến thể.
Tuy nhiên, có những biến thể làm cho virus lây lan khó hơn hay thậm chí là chết yểu do không thoát nổi khỏi tế bào chủ được. Cần lưu ý, những biến thể giúp virus xâm nhập và lây lan nhanh hơn mới là biến thể sẽ tồn tại và dần dần thay thế các chủng virus ban đầu. Trong thời gian qua, thế giới đã chứng kiến các biến thể virus SARS-CoV-2 hoành hành, tiêu biểu nhất là biến thể Delta, xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 10/2020, lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lý giải nguyên nhân virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, các nhà dịch tễ cho hay, nhờ trên bề mặt có những protein gai (spike protein) giúp virus bám vào đường hô hấp. Sau khi bám, nó sẽ nhảy sang tế bào biểu mô và nhân bản, sau đó thoát ra khỏi tế bào cũ để xâm nhập vào tế bào mới và lây cho cộng đồng qua đường mũi, miệng. Nếu sự biến đổi gen làm các “xúc tu” protein gai này hút chặt hơn thì tất yếu dẫn tới lây nhiễm nhanh hơn.
Các biến chủng virus Corona mới nhất hiện nay là gì?
GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm: Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs).
- Biến thể đáng quan tâm (VOIs): khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.
- Biến thể đáng quan ngại (VOCs): là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực virus/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.
Hiện có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Trong đó, biến thể Delta được đánh giá là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao. Trước đó, cách gọi tên các biến chủng cũ là thường ghép “biến thể” + “tên quốc gia” là không được dùng vì có thể tạo tâm lý kỳ thị. (1)
1. Biến thể virus Corona Anh (Dòng B.1.1.7 – hay còn gọi là biến thể 20B/501Y.V1)
Biến thể B.1.1.7, còn được gọi tên khác là Alpha, được phát hiện lần đầu tiên tại Vương quốc Anh, trở thành chủng virus rất phổ biến ở thành phố Luân Đôn và vùng đông nam nước Anh. Đây cũng là biến chủng đánh dấu cho đợt bùng phát Covid-19 mới của toàn cầu vào cuối năm 2020. Đến nay, hơn 100 quốc gia đã có người nhiễm biến chủng B.1.1.7, trong đó có Việt Nam.
Theo dữ liệu của Cơ quan Y tế công cộng (PHE), người đầu tiên nhiễm virus biến chủng này được phát hiện vào ngày 20/9/2020. Đến giữa tháng 11, biến chủng lây truyền cho hơn 20-30% ca bệnh ở London và một số khu vực ở phía đông thành phố. 3 tuần sau đó, khoảng 60% bệnh nhân mắc mới là nhiễm virus biến chủng này. Ngày 23/12, giới khoa học Anh công bố với thế giới về biến chủng SARS-CoV-2 hoàn toàn mới.
Biến chủng Alpha có chứa 23 đột biến gene, đặc biệt là không liên quan về mặt di truyền với chủng virus đang gây bệnh cho Anh trong thời điểm đó. Theo Chris Whitty, Giám đốc Y tế của Anh, số lượng này nhiều bất thường.
Các quan chức y tế tại Anh cảnh báo, biến thể B.1.1.7 của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn tới 70% so với chủng cũ. Trong bản cập nhật dịch tễ hàng tuần, WHO cũng cảnh báo biết biến chủng B.1.1.7 cho thấy khả năng lây nhiễm virus mạnh. Tại Anh, các mẫu thử nghiệm SARS-CoV-2 chủng mới đã tăng từ 63% trong tuần từ 14/12/2020 lên 90% trong tuần từ 18/1/2021.
Bến thể B.1.1.7 nhanh chóng trở thành chủng virus phổ biến trong các ca bệnh trên toàn cầu. Đây cũng là chủng được tìm thấy trong nhiều ca bệnh của đợt bùng phát hiện nay và tại Hải Dương vào tháng 7/2020.
Cuối tháng 4, theo thông tin từ Bộ Y tế, kết quả Viện Pasteur TP.HCM giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy 85.7% mẫu nhiễm biến chủng B.1.1.7 (biến chủng được phát hiện ở Anh), 14,3% còn lại mang biến chủng B.1.351 (phát hiện ở Nam Phi).
Biến thể B.1.1.7 khác biệt như thế nào?
Biến thể B.1.1.7 có một đột biến ở vùng gắn thụ thể (RBD) của protein gai tại vị trí 501, nơi acid amin asparagine (N) đã được thay thế bằng tyrosine (Y), nên được viết tắt là N501Y. Biến thể này cũng có một số đột biến khác, bao gồm:
- Đứt đoạn 69/70: đứt đoạn kép này xảy ra tự nhiên nhiều lần và có thể dẫn đến sự thay đổi hình dạng của protein gai.
- P681H: gần vị trí phân cắt S1/S2 furin, một vị trí có sự biến đổi cao ở virus Corona. Đột biến này cũng đã xuất hiện một cách tự phát nhiều lần.
- Mã dừng ORF8 (Q27stop): đột biến tại vị trí ORF8.
Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Ở các đợt dịch trước, các nhà dịch tễ tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày với chu kỳ lây rất rõ ràng, nhưng lần này chu kỳ lây ngắn hơn với thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở biến thể virus Corona này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó, khả năng nhân lên của virus, đào thải mầm bệnh và lây lan trong không khí rất cao. Chủng virus biến thể mới được tìm thấy ở Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có nhiều đột biến tác động tới cách thức virus xâm nhập tế bào người và lây bệnh.
2. Biến thể Nam Phi (Dòng B.1.351, hay còn gọi là biến thể 20C/501Y.V2)
Tháng 12/2020, Bộ Y tế Nam Phi lần đầu tiên thông báo một chủng đột biến mới có tên gọi là Belta (B.1.351) được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, Nam Phi. Từ mùa hè cho tới tháng 10/2020, quốc gia này chỉ có khoảng 2.000 ca nhiễm trung bình mỗi ngày. Tuy nhiên, con số này gia tăng đáng kể từ giữa tháng 11/2020 với hơn 16.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhiều hơn mức đỉnh dịch năm 2019. Thời điểm đó, Bộ Y tế Nam Phi cho biết, biến thể này chiếm từ 80-90% các ca nhiễm mới trong nước và góp phần gia tăng các ca nhiễm và nhập viện trên khắp Nam Phi.
Theo Giáo sư dịch tễ học Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch hội đồng khoa học thuộc Bộ Y tế Nam Phi, biến thể virus mới có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với chủng cũ. Nhà dịch tễ Tulio de Oliveira, người đứng đầu phòng thí nghiệm Krisp ở Nam Phi nhận định: “Chúng tôi chưa từng thấy dòng virus nào lây lan nhanh như vậy”.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, biến thể Belta ở Nam Phi khác với biến thể Alpha ở Anh, có khả năng lây nhiễm gấp 1.5 lần, hung hãn hơn,có thể tiến hóa và thích nghi cao hơn… Ngày 31/01/2021, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến thể Nam Phi Belta (B.1.351) đầu tiên từ chuyên gia nhập cảnh người Nam Phi.
Biến thể B.1.351 khác biệt như thế nào?
- Biến thể B.1.351 có nhiều đột biến xảy ra trong protein gai, bao gồm cả N501Y. Không giống như dòng B.1.1.7 được phát hiện ở Anh, biến thể này không có đứt đoạn 69/70.
- Biến chủng Belta (501.V2 hay B.1.351) mang 3 đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene. Đây là nơi tạo ra protein gai mà virus dùng để gắn vào tế bào người. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus. Nhờ đó, nCoV vượt hàng rào miễn dịch do vắc xin COVID-19 sinh ra dễ dàng hơn.
3. Biến thể của Brazil (Dòng P.1)
Biến thể Gamma, còn gọi là dòng P.1, lần đầu được phát hiện bởi Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản (NIID) trên nhóm 4 người ở Nhật Bản hồi tháng 1/2021, dù đã từng tồn tại ở Brazil từ tháng 11/2020. Theo tờ New York Times, đây là những du khách mắc biến thể mới sau khi tới bang Amazonas, Brazil.
Sau đó, biến thể P.1 đã nhanh chóng trở thành chủng virus thống trị khắp Brazil và gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các quốc gia khác trên thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra, biến thể P.1 có một “chòm sao đột biến độc đáo” và rất nhanh đã trở thành một biến thể nổi trội với tốc độ lây lan nhanh, có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh. Đồng thời, các nhà khoa học cũng tính toán rằng virus P.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn gấp 2.5 lần so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc xuất hiện ban đầu, khả năng kháng lại các kháng thể cũng cao hơn.
Biến thể P.1 khác biệt như thế nào?
- Biến thể P.1 có 17 đột biến amino acid độc nhất và 4 đột biến thay thế, trong đó ba đột biến đáng lo ngại nhất là K417T, E484K và N501Y. Đặc biệt, E484K thu hút sự chú ý lớn nhất và nó cũng đã được tìm thấy trên biến chủng B.1.351 ở Nam Phi. Đột biến E484K được cho là khiến P.1 gây tái nhiễm cho cả những người đã khỏi bệnh.
- E484K xuất hiện trên gai protein của virus, khiến biến thể P.1 thay đổi hình dáng, tránh bị phát hiện bởi các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine COVID-19, hoặc sau lần đầu người bệnh mắc COVID-19 do các chủng virus khác.
- Ngoài ra, đột biến N501Y và K417T chính là tác nhân khiến biến chủng P.1 lây lan mạnh hơn các chủng virus khác. Theo New York Times, kết quả nghiên cứu tại thành phố Manaus cho thấy P.1 có khả năng lây lan mạnh hơn các chủng virus cũ từ 40-120%.
4. Biến thể kép của Ấn Độ (Delta hay dòng B.1.617.2)
Biến thể Delta (B.1.617.2), còn gọi là “đột biến kép” được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Với khả năng lây nhiễm nguy hiểm, Delta sớm trở thành chủng virus thống trị ở cả Ấn Độ, đến Vương quốc Anh, rồi lần lượt “ghé thăm” các nước khác, áp đảo hệ thống y tế toàn cầu.
Với đặc điểm dễ lây lan, khó truy vết, theo thống kê của WHO, biến thể này đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dữ liệu mới chỉ ra, biến thể Delta có mức độ lây lan cao chủ yếu là vì người nhiễm biến thể này mang tải lượng virus ở khoang mũi lớn gấp 1.000 lần so với người nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 trước đó.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.
Bà Rochelle Walensky Hoa Kỳ, Giám đốc CDC Hoa Kỳ cho biết: “Biến thể Delta dữ dội hơn và có sức lây lan mạnh hơn các chủng virus lan truyền trước đó. Đây là một trong các virus hô hấp có sức truyền nhiễm nhiều nhất mà chúng tôi được biết đến và tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp 20 năm của mình”.
Tỷ lệ nhập viện với bệnh nhân nhiễm biến thể Delta cũng cao hơn 85% so với biến thể Alpha. Hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy người nhiễm biến thể Delta bệnh nặng hơn hay dễ tử vong hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu từ Scotland đăng trên tạp chí Lancet chỉ ra biến thể Delta có thể khiến bệnh nhân dễ nhập viện hơn so với các biến thể trước. Tăng khả năng nhập viện có thể dẫn tăng rủi ro tử vong, đặc biệt là với các bệnh nhân có bệnh lý nền như đái tháo đường, béo phì, tim mạch,…
Tại Việt Nam, biến thể Delta được phát hiện trong các ca dương tính ở TP.HCM vào ngày 18/05/2021 trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại các chuỗi lây nhiễm ở các tỉnh phía Nam đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. Đáng lo ngại, biển thể Delta lây lan rất nhanh trong môi trường kín, không khí lưu thông kém như: nhà máy, khu công nghiệp, quán bar, nhà thờ,…
Không chỉ vậy, các chuyên gia dịch tễ lo ngại, biến thể Delta đang “làm mưa làm gió” chưa thể ngăn chặn, thì biến thể mới Delta Plus – được xem là “hậu duệ” của Delta nguy hiểm không kém, rất dễ lây lan, chúng liên kết mạnh với các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng.
Xem thêm:
- Biến thể Delta Plus
- Biến thể Lambda
- Biến thể AY3
Biến thể Delta khác biệt như thế nào?
Biến thể B.1.617 được gọi là “đột biến kép” vì nó chứa 2 đột biến xuất hiện ở các chủng virus nguy hiểm khác là L452R từng xuất hiện trong biến thể ở California (Mỹ) và E484Q, giống với loại xuất hiện ở Nam Phi và Brazil. Ngoài 2 đột biến trên, B.1.617 có khoảng 11 đột biến khác. Chính các đột biến này giúp virus trốn tránh khả năng miễn dịch tự nhiên cũng như có đề kháng cao hơn với vắc xin và phương pháp điều trị bằng kháng thể. Đặc điểm này đã tạo ra “làn sóng thần” dịch COVID-19 thứ 2 tại Ấn Độ.
Các nhà dịch tễ học cho rằng, biến thể Delta là một kẻ thù đặc biệt đáng sợ. Nếu tiếp tục đột biến, chủng này sẽ gây ra mối đe dọa vô cùng lớn, đó là lý do khiến các chuyên gia y tế đang vô cùng căng thẳng. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.
Các loại vaccine Covid hiện nay có chống lại các biến thể virus Corona mới này được không?
CÓ! Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, vắc xin COVID-19 có hiệu quả trong việc chống lại hầu hết các biến thể mới. Vắc xin xây dựng miễn dịch cộng đồng nhờ vắc xin COVID-19 được xem là “vũ khí” sắc bén nhất, an toàn nhất giúp chấm dứt đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ông Samuel Alizon, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp cho biết: Chìa khóa cho phép kiểm soát dây chuyền lây nhiễm đó là tiêm đủ 2 liều vaccine để chống chọi với biến thể Delta. Theo đó, kiểm soát đà lây nhiễm của biến thể Delta và tiêm chủng là “hai mặt của một đồng xu”. Kìm hãm được mức độ bùng phát của biến thể này càng lâu thì càng có thêm thời gian để tiêm chủng và càng đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng thì các điều kiện lây lan sẽ trở nên khó khăn hơn với mọi biến chủng của SARS-CoV-2.
Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cũng chỉ ra rằng, nếu tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.
Ngày 21/7, nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine cho biết, người tiêm đủ 2 liều vắc xin của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca sẽ mang lại hiệu quả ngăn ngừa biến thể Delta gần như giống với việc ngăn ngừa biến thể Alpha.
Cụ thể, nghiên cứu với khoảng 19.000 người, cho thấy tiêm 2 liều vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh có triệu chứng do biến thể Delta, so với mức 93,7% trong ngăn ngừa biến thể Alpha.
Trước đó, Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE), vắc xin Pfizer giúp giảm 96% tỷ lệ nhập viện điều trị, vắc xin AstraZeneca đạt tỷ lệ là 92%. Cơ quan này cho biết mức độ hiệu quả của hai loại vắc xin đối với các biến thể Delta và Alpha là không cách biệt nhiều. Bên cạnh đó, cả 2 loại vắc xin này cũng đã được chứng minh có khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ bệnh chuyển biến nặng là hơn 90%.
AstraZeneca là vắc xin đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp tại hơn 80 quốc gia trên 6 châu lục. Hơn 700 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cung cấp cho hơn 170 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cuộc đua giữa vaccine Covid và các biến thể vi rút Corona?
Thế giới lại đang chứng kiến một làn sóng bùng phát nguy hiểm mới của COVID-19, với số ca nhiễm gia tăng kỷ lục ở nhiều khu vực. Đã có hơn 4 triệu người tử vong từ đầu dịch và con số này vẫn không ngừng tăng lên… “Biến thể Delta đang lây lan trên khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, khiến số ca mắc và tử vong tăng đột biến” – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. (2)
Biến thể Delta đang chọc thủng các “tấm khiên” bảo vệ vững chắc mà nhiều quốc gia thiết lập trước đây. Các quốc gia như Việt Nam, Singapore từng kiểm soát khá tốt nhờ các “tấm khiên” như truy vết, cách ly, khoanh vùng cùng với các biện pháp phòng, chống dịch nhưng biến thể Delta khiến các nước phải thay đổi cách tiếp cận phòng dịch khi cuộc đua giữa vắc xin COVID-19 và virus biến thể đang diễn ra gay cấn.
Với một loại virus nguy hiểm chưa từng có, không ngừng biến đổi thì sẽ rất khó để tiếp cận hay mô hình chống dịch là hoàn hảo, hình mẫu. Theo nhiều chuyên gia, virus SARS-CoV-2 không biến mất mà sẽ biến đổi theo thời gian, do đó, mỗi quốc gia cần kết hợp hài hòa các biện pháp theo dõi, giãn cách và tăng tốc tiêm vắc xin để sớm ổn định cuộc sống.
Kể từ mũi vắc xin COVID-19 được tiêm đầu tiên vào cuối tháng 12 năm ngoái, đến nay, thế giới đã tiêm gần 4 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy, các loại vắc xin COVID-19 được triển khai tiêm hiện nay đều giúp giảm nguy cơ triệu chứng nặng, tỷ lệ nhập viện, biến chứng nặng và tử vong, từ đó giúp hệ thống y tế tránh nguy cơ quá tải.
Cuộc chiến với COVID-19 và các biến thể liên tục xuất hiện là cuộc chiến trên nhiều mặt trận: không chỉ ở các bệnh viện, các trung tâm y tế – nơi các y bác sĩ là tuyến đầu, không chỉ ở các nhà máy – nơi mỗi công nhân vừa sản xuất vừa chống dịch, mà còn cả trong các phòng thí nghiệm – nơi các thử nghiệm thuốc và vắc xin đang được gấp rút tiến hành.
Mùa hè COVID-9 thứ hai, biến thể Delta đang “châm ngòi” cho làn sóng dịch mới ở nơi trên thế giới. Các loại biến chủng virus Corona vẫn sẽ xuất hiện trong quá trình tiến hóa của virus, để khống chế nó, mỗi người cần tiến hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt khi có cơ hội. Song song đó cần phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và tuân thủ những chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương, hạn chế thấp nhất việc lây lan trong cộng đồng, sớm đưa cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường.