MusicLM là phần mềm AI được phát triển bởi Google có thể tạo ra các bản nhạc ở nhiều thể loại theo yêu cầu bằng đoạn văn bản mô tả. Hiện tại, Google vẫn chưa phát hành chính thức phần mềm này bởi vì lo ngại những rủi ro liên quan đến bản quyền.
Đồng thời đây cũng không phải là phần mềm AI đầu tiên có khả năng biến văn bản thành nhạc này, trước đó đã xuất hiện vài cái tên như Riffusion (AI soạn nhạc một cách trực quan hóa), Dance Diffusion, AudioML của riêng Google và Jukebox của OpenAI.
Nhưng do kỹ thuật và dữ liệu để đào tạo còn bị hạn chế, vì thế không phần mềm AI nào hiện tại có thể tạo ra các bài hát phức tạp về bố cục hoặc có độ trung thực cao (Hi-fi).
Theo mô tả các nhà phát triển, MusicLM được đào tạo dựa trên tệp dữ liệu 280.000 giờ bài hát để học cách tạo ra bài nhạc với độ phức tạp nhất định. Ngay cả khi được cung cấp các văn bản mô tả hơi dài và khó, MusicLM vẫn có thể cho ra mắt được các bản nhạc mang sắc thái như những đoạn riff, giai điệu và mood của nhạc cụ.
Chưa dừng lại ở đó, MusicLM còn mở rộng khả năng tạo ra các bài hát ngắn. Các nhà nghiên cứu tại Google cho biết rằng hệ thống MusicLM có thể phát triển bản nhạc dựa trên các giai điệu hiện có chẳng hạn như ngân nga, hát, huýt sáo hay chơi trên một nhạc cụ.
Hơn nữa, MusicLM có thể lấy một số văn bản mô tả được viết theo trình tự ví dụ: “thời gian để thiền định”, “thời gian để thức dậy”, “thời gian để chạy”, “thời gian cống hiến 100%”,.... và từ đó MusicLM tạo ra một bản nhạc du dương giống như một câu chuyện có độ dài lên tới vài phút, hoàn toàn phù hợp với nhạc phim.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Google lưu ý rằng vẫn còn nhiều thách thức về mặt pháp lý, bản quyền do việc dữ liệu đào tạo cho MusicLM có các bài hát bản quyền. Trong một thử nghiệm gần đây, họ phát hiện ra rằng khoảng 1% bản nhạc mà hệ thống tạo ra được sao chép trực tiếp từ các bài hát có bản quyền từ dữ liệu đào tạo, đây là một ngưỡng dường như đủ cao để ngăn cản Google công bố MusicLM chính thức ở thời điểm hiện tại.
Các đồng tác giả của bài báo nghiên cứu đã viết: “Chúng tôi thừa nhận nguy cơ tiềm ẩn từ nội dung được sáng tạo trong trường hợp này, đặc biệt nhấn mạnh phải có nhiều biện pháp hơn trong tương lai để giải quyết những rủi ro liên quan đến pháp lý âm nhạc.”
Giả sử một ngày nào đó MusicLM hoặc một hệ thống tương tự không thể tránh khỏi các vấn đề pháp lý âm nhạc sẽ xảy ra, lấy ví dụ thực tế vào năm 2020, hãng thu âm của Jay-Z đã đệ đơn đình chỉ bản quyền đối với kênh YouTube có tên Vocal Synthesis, vì đã sử dụng AI để tạo ra các bản nhạc được phối dựa trên bài hát của Jay-Z và bài “We Did not Start the Fire” của Billy Joel.
Theo Eric Sunray - thực tập sinh tại Hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc (Music Publishers Association) cho rằng những phần mềm tạo nhạc bằng AI như MusicLM vi phạm bản quyền âm nhạc bằng cách tạo ra những âm thanh mạch lạc từ các bài hát mà chúng được học trong quá trình huấn luyện AI, từ đó đã vi phạm theo Đạo luật bản quyền của Mỹ.
Không riêng gì mảng âm nhạc, việc mang tính hợp lệ các sản phẩm do AI tạo ra trong các lĩnh vực khác như hình ảnh, code, video và văn bản cũng là điều còn gây tranh cãi.
Theo góc độ người dùng, Andy Baio đến từ Waxy nhận định rằng bản nhạc do hệ thống AI tạo ra sẽ được coi là tác phẩm phái sinh, được sản sinh ra dựa trên những cái có sẵn, vì thế chỉ các tác phẩm gốc mới được bảo vệ bản quyền.
Tất nhiên, để đi tìm cái gọi là nguyên bản trong một tác phẩm phái sinh như vậy chắc chắn không phải chuyện dễ dàng gì. Người ta cho rằng vấn đề sẽ dễ hơn nếu các tác phẩm do AI tạo ra sẽ được dùng cho mục đích phi thương mại, nhưng câu chuyện sẽ còn phức tạp khi những hệ thống như MusicLM bắt đầu phổ biến trong tương lai.
Một số vụ kiện được đưa ra tòa án trong thời gian tới có thể sẽ liên quan đến AI tạo nhạc bởi vì có liên quan đến bản quyền của các nghệ sĩ có tác phẩm được sử dụng để đào tạo cho hệ thống AI mà họ không hề hay biết hoặc không đồng ý.
Bạn nghĩ sao về MusicLM?