Sau hơn 20 năm làm đạo diễn bộ phim truyền hình kinh điển Tây Du Ký, nữ đạo diễn Dương Khiết đã quyết định chắp bút viết nên cuốn hồi ký "Ôn giấc mộng xưa - Quá trình làm phim Tây Du Ký 86" xuất bản cuối năm 2012.
Cuốn hồi ký ghi lại những kỷ niệm về đoàn phim cùng nhiều câu truyện phía sau hậu trường từ lý do dựng phim đến quá trình thành lập đoàn phim, đi tìm bối cảnh quay, tuyển chọn diễn viên... Rất nhiều những chuyện vui buồn, những kỳ tích, sự dày công, nhiệt thành cũng như trí tuệ của bao thành viên đoàn để làm nên một bộ phim Tây Du Ký đi sâu vào lòng khán giả đều được Dương Khiết nhớ và kể lại sẽ cho người đọc, những khán giả ái mộ Tây Du Ký thêm hiểu và cảm phục tinh thần lao động, sáng tạo không ngừng của những con người đã trở thành một phần của bộ phim Tây Du Ký.
Kỳ 1: Cuộc sống trong đạo quán và sự hoài nghi của các đạo sĩ
Để tạo được không khí về các đạo quán trong Tây Du Ký, đoàn phim đã từng bị các đạo sĩ nghi ngờ vì sợ nội dung phim phỉ báng và nói xấu về Đạo Lão của họ.
Trong phim có cảnh quay được tiến hành ở núi Thanh Thành, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong những nơi phát tích của đạo giáo Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay. Trên núi có rất nhiều các công trình đạo giáo nổi tiếng, nhất là Cổ Thường đạo quán - công trình mà nữ đạo diễn Dương Khiết đã vô cùng ưng ý. Kiến trúc dựa vào núi, khoáng đạt và có không gian yên tĩnh đến lạ kỳ. Nơi đây có sức hút đặc biệt với Dương Khiết khiến bà nghĩ bất kỳ nơi nào ở đạo quán này cũng có thể tận dụng làm cảnh quay trong phim.
Bậc thang điện Đệ Ngũ Động Thiên làm cảnh quay nơi Bồ Đề sư tổ giảng đạo cho các đệ tử.
Bậc thang Đệ Ngũ Động làm cảnh quay trong tập “Ăn trộm quả Nhân Sâm.
Đặc biệt cảnh quay tại điện Đệ Ngũ Động Thiên, nơi sư phụ của Ngộ Không là Bồ Đề sư tổ ngồi giảng đạo cho các đồ đệ, với dãy bậc thang nối lên cao, hai bên đều có chỗ ngồi cho các đạo sĩ ngồi nghe sư tổ giảng đạo, vị trí cao nhất cũng chính là chỗ ngồi của sư tổ. Dương Khiết đã quyết định lấy bối cảnh ở đây cho hai tập “Thạch hầu sơ vấn thế” và “Ăn trộm quả nhân sâm”. May mắn là những cảnh này đều liên quan đến đạo gia, vì vậy quay ở một đạo quán như Cổ Thường đạo quán thì không còn gì phù hợp hơn.
Thời gian quay ở đây được định hình là 40 ngày, Dương Khiết cũng yêu cầu các thành viên trong đoàn phải tuyệt đối tôn trọng nội quy của đạo quán, không được làm hư hỏng một viên gạch, viên ngói hay tác động đến cây cỏ trong đạo quán, cẩn thận với những vật dễ cháy, không khạc nhổ…
Một góc cảnh quay bên tại Cổ Thường đạo quán trong tập 1 “Thạch hầu sơ vấn thế”
Việc đầu tiên của đoàn khi đến đạo quán này là ra mắt đạo trưởng trên 80 tuổi ở đây. Vị này có phần không ưa đoàn phim bởi mỗi người trong đoàn lại mang một tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Vì vậy, đạo trưởng tỏ ra không mấy tin tưởng cũng như có phần lạnh nhạt.
Thế nhưng càng về sau thì thái độ của vị đạo trưởng này đã thay đổi 180 độ. Ngay cả những đạo sĩ ở đây cũng tỏ ra niềm nở và nhiệt tình với đoàn. Về lý do gì khiến cho thái độ của các đạo sĩ ở đây thay đổi một cách lạ lùng đến vậy vì Dương Khiết cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi nghệ sĩ Ngô Quế Linh, người thể hiện nhân vật Trấn Nguyên Đại Tiên có tiết lộ là ông đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các đạo sĩ ở đây, đặc biệt là từng đàm đạo cả ngày với vị đạo trưởng ở đây để lấy lòng.
Tạo hình nghệ sĩ Quế Linh vai Trấn Nguyên Đại Tiên
Nghệ sĩ Quế Linh có thuật lại việc vị đạo trưởng ở đây từng hỏi ông: “Vì sao các vị lại chọn đạo quán của chúng tôi để quay Tây Du Ký? Chẳng phải nội dung Tây Du Ký là chê bai đạo giáo hay sao?”. Vậy là lý do mà vị đạo trưởng này có ý lạnh nhạt với đoàn phim cũng chỉ vì vị này cho rằng đoàn Tây Du Ký có ý coi thường và phỉ báng Đạo gia của ông.
Sau câu hỏi trên của đạo trưởng, nghệ sĩ Quế Linh đã thẳng thắn giải thích: “Về cơ bản thì không có ý đó, trong kịch bản chúng tôi có đoạn Tôn Ngộ Không ăn trộm quả Nhân Sâm của Trấn Nguyên Đại Tiên rồi đánh đổ cây và bị đại tiên trừng phạt đến nỗi muốn thoát thân cũng không nổi, rút cục đành phải đi cầu cứu Quan Âm Bồ Tát để cứu sống cây Nhân Sâm thì mới được sự khoan dung của Chân Nguyên tha tội. Điều này là ngợi khen pháp lực vô biên của Đạo gia”. Vị đạo trưởng nghe xong nhưng vẫn còn bán tín bán nghi và yêu cầu phải được xem tận mắt cảnh quay.
Cảnh Tôn Ngộ Không ăn cắp quả Nhân Sâm.
Tôn Ngộ Không và Trấn Nguyên Đại Tiên kết nghĩa.
Cũng vừa hay hôm đó đoàn phim quay cảnh Trấn Nguyên Đại Tiên bắt giữ bốn thầy trò Đường Tăng, Ngộ Không có muốn đào tẩu cũng không được và đành phải chấp thuận cách đi tìm thuốc chữa cho cây sống lại. Vị đạo trưởng hôm đó ngồi túc trực bên cạnh quan sát không rời mắt và có vẻ rất hài lòng vui vẻ.
Cảnh quay xong, vị đạo trưởng này đã yêu cầu được chụp chung tấm ảnh với nghệ sĩ Quế Linh làm kỷ niệm. Lúc đó, nghệ sĩ Quế Linh vẫn còn chưa tẩy trang nhưng cũng vội đứng vào chụp ảnh cùng như yêu cầu. Thế nhưng khi ông vừa đứng vào cùng vị đạo trưởng thì vị này liền vội ngăn lại và nói: “Không được, không được, đứng như vậy là không đúng!”. Lý do là nghệ sĩ Quế Linh đứng phía dưới vị đạo trưởng với vẻ hết sức tôn kính, trong khi vị này lại muốn Quế Linh đứng ở phía trên: “Ông là vị sư tổ của chúng tôi cơ mà”, sau đó mới cho phép chụp, chụp xong còn làm động tác kính lễ rất cung kính với nghệ sĩ Quế Linh.
Hình ảnh Tôn Ngộ Không cùng các đạo sĩ trong đạo quán.
Về sau lão đạo trưởng nọ và nghệ sĩ Quế Linh trở nên thân thiết và chỗ đi lại tâm giao như bạn bè. Đạo trưởng còn dạy cho Quế Linh rất nhiều các nghi lễ của đạo gia và tặng cho nghệ sĩ một bố “Đạo đức kinh” do chính ông tự tay biên soạn. Đặc biệt là lúc đoàn phim treo tấm biển “Ngũ Trang quán” lên phía trước cổng của Cổ Thường đạo quán thì thấy lão đạo trưởng nọ đứng bên cạnh nhìn với nụ cười mãn nguyện và đắc ý.
Trấn Nguyên Đại Tiên là lão tổ của Đạo gia, thần thông quảng đại, địa vị tối cao, một con người chính khí và nghiêm nghị vô cùng, mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của người, không ai có thể thoát khỏi mắt Đại Tiên.
Nghệ sĩ Quế Linh thể hiện xuất sắc vai diễn Trấn Nguyên Đại Tiên nhờ tinh thần cầu thị hiếm có.
Về diễn viên thể hiện phù hợp nhất với nhân vật này, Dương Khiết đã nghĩ tới nghệ sĩ nổi tiếng Ngô Quế Linh đến từ Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh, một người có đầy đủ những cá tính cũng như thần thái và đặc điểm này, người vốn hội đủ vẻ uy nghiêm và đạo mạo, đĩnh đạc cần có ở vị Đại Tiên.
Để hoàn thành tốt vai diễn của mình, thậm chí Ngô Quế Linh đã đề xuất với đoàn phim Tây Du Ký tạo điều kiện cho ông đến Thanh Thành Sơn đạo quán để học tập và chuyên tâm nghiên cứu về đạo sĩ, học tập các quy tắc của đạo gia, những lễ nghi và đạo lý trong đạo giáo… cũng từ đó đã kết giao và trở nên thân tình với các đạo trưởng ở đây mà mãi về sau này đạo diễn Dương vẫn còn nhắc tới như một sự cầu toàn cho lớp diễn viên trẻ noi theo.
Mời các bạn đón đọc Kỳ 2: Sợ ma không dám... đi tè tiếp tục tiết lộ những kỷ niệm khá thú vị về hai nghệ sĩ trong Tây Du Ký
Tuấn Nguyễn 5 yrs
xem mà ko đế ý các tình tiết này