Bị con rắn hổ mang chúa đớp vào ngón tay cái, lính cứu hỏa Pinyo Pookpinyo lập tức được đưa tới bệnh viện Bangkok, Thái Lan. Anh còn may mắn.
Trong vòng 15 phút sau khi bị cắn, Pinyo được bác sĩ tiêm huyết thanh để ngăn chặn nọc độc ngấm vào cơ thể và tấn công hệ thần kinh. Anh tới cơ sở y tế thêm hai lần nữa để loại bỏ những mô chết ở ngón tay. Hiện Pinyo đã sinh hoạt bình thường.
Những trường hợp được kịp thời cứu chữa như Pookpinyo không nhiều. Thực tế, hầu hết các trường hợp rắn cắn xảy ra ở vùng nông thôn châu Phi và châu Á, những nơi thiếu thốn dịch vụ y tế và thuốc chống nọc độc, khiến nạn nhân có nguy cơ tử vong cao.
Rắn cắn bị xem là khủng hoảng sức khỏe tiềm ẩn nhưng đến nay, phương thức điều trị còn hạn chế. Hiện tại, cách tạo ra thuốc chống nọc độc rắn không thay đổi nhiều so với thế kỷ 19. Nọc độc được chiết xuất từ rắn, tiêm một lượng nhỏ vào một loài động vật khác như ngựa nhằm kích thích phản ứng miễn dịch. Máu của con vật này sau đó được tinh chế, lọc các kháng thể chống lại nọc độc rắn.
Ông Phil Price, chuyên gia nọc độc của Tổ chức Wellcome Trust (Anh) đánh giá thuốc chống nọc độc được điều chế như trên có hiệu quả không cao. Quy trình thử nghiệm thuốc chống nọc độc cũng không được đảm bảo như các loại thuốc khác. Hơn nữa, kháng thể chống nọc độc chứa protein của loài vật khác khi dùng cho người sẽ dẫn tới nhiều rủi ro như phát ban, ngứa hoặc nghiêm trọng hơn là sốc phản vệ.
Các công ty dược cũng không mấy quan tâm đến sản xuất thuốc chống nọc độc bởi ít lợi nhuận. Năm 2010, Sanofi Pasteur ngừng sản xuất thuốc chống độc FAV-Afrique tác dụng với nhiều loại rắn châu Phi.
Theo Wellcome Trust, thế giới đang thiếu 50% số thuốc chống nọc cần thiết. Chưa kể, rắn sống ở mỗi vùng lại có nọc độc riêng. Số thuốc hiện có chỉ tác dụng với 60% loại nọc độc rắn.
Vì hàng loạt lý do, thuốc chống nọc rắn trở nên đắt đỏ. Trung bình, một lọ thuốc có giá 160 USD mà liệu trình không chỉ sử dụng một lọ. Nghiên cứu Ấn Độ năm 2013 chỉ ra 40% nạn nhân bị rắn cắn phải vay tiền điều trị.
Rắn cắn là mối đe dọa sức khỏe bị con người bỏ quên. Ảnh: CNN. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm, rắn giết khoảng 81.000 đến 138.000 người và khiến 400.000 người bị tàn tật. Cứ 5 phút trôi qua, lại có 50 người bị rắn cắn, trong đó 4 người sẽ tàn tật và một người tử vong.
Những loại rắn được xem là kẻ giết người nguy hiểm nhất là rắn lục voi có vảy ở châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan và rắn hổ bướm ở Ấn Độ, Đông Nam Á.
Để giảm một nửa lượng thương vong do rắn cắn đến năm 2030, WHO đầu tư 136 triệu USD vào phát triển thuốc chống nọc độc, giáo dục cộng đồng về cách nhận biết và sơ cứu khi bị rắn cắn, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tổ chức Wellcome Trust cũng đầu tư 80 triệu bảng (101,3 triệu USD) trong bảy năm tới nhằm giải quyết triệt để vấn nạn này.